Hàng năm, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đều ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS, đồng thời phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Xác định nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nội dung quan trọng góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Theo đó, việc quán triệt, triển khai Chỉ thị số 54-CT/TW được thực hiện nghiêm túc. Thông qua các hoạt động học tập, sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Quá trình triển khai thực hiện đã tạo được sự kết hợp đồng bộ trong hệ thống chính trị, giữa các cấp, các ngành, đoàn thể có liên quan trong công tác phòng chống HIV/AIDS, nên những năm qua đã đạt được những kết quả rõ nét trên nhiều mặt trong công tác phòng chống HIV/AIDS.
Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện và thường xuyên rà soát củng cố, bổ sung khi có sự thay đổi. Ban Chỉ đạo của huyện đã phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền và trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản nhằm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả việc thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện. Tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật chẩn đoán, điều trị HIV/AIDS, công tác xét nghiệm HIV để đảm bảo an toàn truyền máu.
Chương trình phòng, chống HIV/AIDS được triển khai trên địa bàn toàn huyện, 100% xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Cán bộ chuyên trách chương trình phòng, chống HIV/AIDS các xã, thị trấn, các cộng tác viên, giáo dục viên, đồng đẳng viên trong địa bàn thôn, xóm, khu phố bảo đảm năng lực hoạt động. Vai trò cộng tác viên, đồng đẳng viên được phát huy tốt trong quá trình thực hiện chương trình. Những hoạt động phòng, chống HIV/AIDS luôn được sự tham gia và hỗ trợ phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan thành viên trong Ban Chỉ đạo. Huy động nhiều lực lượng, phương tiện truyền thông, với sự kết hợp giữa truyền thông đại chúng và truyền thông theo chiều sâu qua hệ thống phòng chống HIV/AIDS của các ban, ngành trong toàn huyện với nhiều hình thức, phù hợp từng nhóm đối tượng nhất là đối tượng có nguy cơ cao. Đặc biệt, trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và nhân ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (01/12) hàng năm tổ chức mitting, diễu hành tại xã, thị trấn với đông đảo cán bộ, nhân dân, học sinh tham dự. Thường xuyên tổ chức hội thi truyền thông phòng, chống HIV/AIDS để thu hút, gây ấn tượng, nâng cao nhận thức nhân dân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Các hình thức tuyên truyền đa dạng như: hái hoa, hội thi, phát tờ bướm, treo băng rôn, pa nô, áp phích, diễu hành, xe tuyên truyền lưu động; truyền thông trực tiếp qua các thành viên trong nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng… đã từng bước hướng tới giáo dục chống kỳ thị phân biệt đối xử, làm thay đổi hành vi, nhận thức của mọi người về căn bệnh HIV/AIDS; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tác hại của ma túy, mại dâm trong việc lây truyền HIV/AIDS và cách phòng, tránh. Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” được triển khai có kết quả; tháng hành động quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS được cán bộ, công chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, góp phần nâng cao nhận thức và tạo ra phong trào rộng lớn phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng.
Đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS ở các xã, thị trấn triển khai khá tốt công tác truyền thông; lực lượng này đã đến từng nhà, đặc biệt là các nhóm có hành vi nguy cơ cao để làm công tác tư vấn, tuyên truyền, cung cấp thông tin tài liệu về phòng, chống HIV/AIDS. Mở Hội nghị cấp huyện và Hội nghị triển khai tại các địa phương trọng điểm có số người nghiện cao trên địa bàn huyện như: thị trấn Phan Rí Cửa, xã Chí Công, xã Hòa Phú (cũ) tuyên truyền đến các đoàn thể và cộng đồng dân cư.
Trong Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadon: Công tác tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng ma túy, vận động phòng, chống ma túy được Trung tâm Văn hóa thể thao & Truyền thanh - Truyền hình huyện, Huyện đoàn, Công an huyện, các xã, thị trấn đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, cụ thể đến từng địa bàn dân cư; trước khi vào điều trị người bệnh, người nhà người bệnh được các nhân viên y tế tư vấn và tuyên truyền về lợi ích của điều trị Methdone.
Cùng với nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh đã đầu tư một phần kinh phí, chủ yếu đầu tư cho việc mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS, quản lý và giám sát dịch tễ. Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thường xuyên tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư phát huy truyền thống tương thân, tương ái cùng tham gia hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS, nhất là việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; đồng thời tạo điều kiện để những người nhiễm bệnh và gia đình thấy rõ trách nhiệm, tự giác và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; khuyến khích các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống HIV/AIDS; với cách làm đó, đã huy động được sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng dân cư, xã hội tạo điều kiện cho các cá nhân người nhiễm HIV/AIDS và gia đình ổn định kinh tế, chăm sóc, điều trị người bệnh.
Trong quá trình triển khai, thực hiện đã xuất hiện các mô hình hay, hiệu quả: Tổ chức sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng trau dồi kỹ năng cho đội ngũ cộng tác viên, đồng đẳng viên thường xuyên, thông qua đội ngũ này tổ chức các buổi tuyên truyền đến các đối tượng có nguy cơ cao. Tổ chức hội thi tuyên truyền viên giỏi phòng, chống HIV/AIDS cấp huyện với sự tham gia của các cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, đồng đẳng viên đang hoạt động trong chương trình, cử ứng viên tham gia hội thi cấp tỉnh. Triển khai thực hiện can thiệp của “Dự án phòng lây nhiễm HIV” cho đối tượng có nguy cơ cao, mô hình trao đổi bơm tiêm sạch, cung cấp bao cao su cho các cơ sở dịch vụ giải trí đạt kết quả khả quan. Ngoài ra Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể tại các địa phương đã xây dựng các mô hình “Họ tộc tự quản về an ninh trật tự”, “Câu lạc bộ phụ nữ không có chồng, con nghiện ma túy”, “Câu lạc bộ phòng chống ma túy” của Hội Cựu chiến binh, “Ánh sáng văn minh” của Đoàn Thanh niên… góp phần đáng kể vào việc giảm các tệ nạn xã hội, phòng, chống HIV/AIDS.
Trong 15 năm qua, Ngành Y tế huyện đóng vai trò chủ đạo trong công tác tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền đề ra chủ trương, chương trình, kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS và trực tiếp thực hiện công tác chuyên môn, kỹ thuật trên lĩnh vực này, cụ thể là:
Chương trình can thiệp giảm tác hại: Đã phát 393.648 cái bao cao su, 188.214 bơm kim tiêm,... cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao; tổ chức sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề, truyền thông trực tiếp cho 176.068 lượt người về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh lây qua đường tình dục, an toàn tình dục, giới thiệu tiếp cận các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS, bảo hiểm y tế... Triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại huyện Tuy Phong từ ngày 25/3/2015, cụ thể: Thành lập Khoa điều trị Methadone (tại thị trấn Phan Rí Cửa) và điểm cấp phát Methadone (tại Xã Chí Công), tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện ma túy tiếp cận điều trị, giảm tần suất sử dụng và tiến tới ngừng sử dụng chất dạng thuốc phiện trong nhóm người bệnh tham gia điều trị, giảm tỉ lệ lây nhiễm HIV, giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm tham gia điều trị. Tính đến nay, số người tham gia điều trị là 419 người, loại khỏi chương trình 244 người, đã hoàn thành điều trị 18 người, hiện còn đang quản lý điều trị cho 157 người; việc triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, đã góp phần làm giảm tỉ lệ người nghiện các chất dạng thuốc phiện và lây nhiễm HIV, cũng như một số bệnh có liên quan trong nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện ra cộng đồng, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện, hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con: Những trường hợp phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV được phát hiện sớm đều được tư vấn chăm sóc thai nghén, dinh dưỡng và chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc sinh đẻ. Hệ thống dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được lồng ghép vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại địa phương, đơn vị. Tại huyện đã xét nghiệm sàng lọc HIV cho 5.324 phụ nữ mang thai, qua đó chưa phát hiện trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Chương trình dự phòng HIV trong an toàn truyền máu: Đã được triển khai thực hiện khá tốt, 100% các đơn vị máu và chế phẩm máu đã được thực hiện sàng lọc.
Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả tốt. Mạng lưới y tế từ huyện đến xã được tổ chức đủ năng lực để triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng nguy cơ cao và cộng đồng người dân trên toàn huyện. Đã triển khai thực hiện tốt các giải pháp can thiệp giảm tác hại; đưa người nghiện vào quản lý, chăm sóc, điều trị tại các cơ sở điều trị Methadone; thực hiện tốt phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và thực hiện an toàn truyền máu; việc theo dõi, đánh giá hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện được đảm bảo./.