Phòng Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thi hành, áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính; tổ chức tập huấn công tác xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai, khoáng sản cho 135 công chức, đăng ký cho 28 công chức tham gia lớp tập huấn chuyên sâu về xử lý vi phạm hành chính, nhằm ngăn ngừa khiếu kiện; kiểm tra 23 lượt công tác tư pháp ở các xã, thị trấn, thẩm định hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, thông qua đó Phòng Tư pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, hướng dẫn, tư vấn kỹ năng, nghiệp vụ trên lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính. Trong 02 năm, Phòng Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện theo dõi tình hình vi phạm hành chính, thẩm tra 128 hồ sơ, kiểm tra tính pháp lý 108 hồ sơ; về tình hình xử phạt vi phạm hành chính, thuộc thẩm quyền của huyện xử phạt 86/136 vụ/136 đối tượng, thẩm quyền cấp xã xử phạt 454/674 vụ/674 đối tượng; về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, có 433 đối tượng lập hồ sơ, áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm và đang chấp hành quyết định xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính còn có một số khó khăn, như công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có lúc, có nơi chưa thường xuyên, sâu rộng; công tác kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện các quyết định xử phạt chưa được tập trung; công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa đồng bộ; các phương tiện, thiết bị nghiệp vụ phục vụ công tác xử lý vi phạm chưa đáp ứng với tình hình tình thực tế của xã hội hiện nay; công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính kiêm nhiệm, chưa có chuyên môn nghiệp vụ, sâu sát trong công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm nên ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công việc; một số vụ việc phát hiện và xử lý vi phạm hành chính còn ít, nên chưa phản ánh đúng tình hình thực tế, chưa tạo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Do đó, để triển khai thực hiện tốt, nâng cao chất lượng công tác xử lý vi phạm hành chính, Đoàn giám sát có một số kiến nghị như sau, đối với Ủy ban nhân dân huyện, một là kiến nghị, đề xuất tỉnh có văn bản hướng dẫn, quản lý theo thẩm quyền phù hợp theo quy định pháp luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản; hai là, hàng năm ban hành kế hoạch thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính gắn với việc thực hiện Nghị định 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; ba là, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm hạn chế việc vi phạm trong quản lý sử dụng đất; bốn là, sơ kết công tác xử lý vi phạm hành chính; năm là, đề nghị Sở Tư pháp hàng năm tổ chức tập huấn công tác lập hồ sơ, theo dõi việc xử lý vi phạm hành chính, công tác báo cáo thống kê. Đối với Phòng Tư pháp, một là tiếp tục tham mưu tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn về xử lý vi phạm hành chính; hai là, nâng chất lượng công tác tham mưu về xử lý vi phạm hành chính; ba là, rà soát, thống kê các quyết định xử lý vi phạm bị khiếu nại hoặc khởi kiện, tổng hợp các vướng mắc về thủ tục pháp lý trong việc xử lý vi phạm hành chính đề nghị cấp có thầm quyền nghiên cứu, hướng dẫn giải quyết.