Trong 02 năm (năm 2019- 2020), Phòng Lao động- thương binh và xã hội đã tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản triển khai thực hiện một số quy định của Pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tuy Phong; chủ động tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp, ngoài việc gửi các văn bản chỉ đạo cấp trên đến các doanh nghiệp, đơn vị còn trực tiếp giải đáp các kiến nghị về chế độ, chính sách đối với người lao động được quy định trong Bộ Luật lao động; củng cố, kiện toàn Tổ công tác liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện thuộc huyện quản lý là 353 doanh nghiệp; đã kiểm tra pháp luật lao động trong 2 năm là 50 doanh nghiệp (trong đó 2019 kiểm tra 37 doanh nghiệp; năm 2020 kiểm tra 13 doanh nghiệp); qua kiểm tra, Tổ kiểm tra liên ngành nhắc nhở, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo quy định pháp luật lao động, không có doanh nghiệp nào bị xử lý vi phạm hành chính; nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động được nâng lên qua kiểm tra; việc tranh chấp về lao động tại doanh nghiệp hầu như ít xảy ra, mức độ tranh chấp chưa thật sự nghiêm trọng.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về chính sách pháp luật đối với người lao động còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn huyện còn thấp; nợ bảo hiểm tăng dần qua các năm. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực hiện đăng ký thang, bảng lương; ký kết nội dung hợp đồng lao động chưa đầy đủ; công tác chăm lo các chính sách cho người lao động chưa được quan tâm một cách đúng mức. Công tác kiểm tra trong thời gian qua tuy có quan tâm, nhưng số doanh nghiệp được kiểm tra còn ít; công tác phúc tra sau thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên, nội dung thanh tra, kiểm tra chủ yếu là hướng dẫn cho doanh nghiệp tập trung thực hiện các nội dung có liên quan đến chế độ, chính sách cho người lao động theo quy định của pháp luật lao động, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với những doanh nghiệp thực hiện chưa tốt các chính sách bảo hiểm đối với người lao động. Các văn bản quy định chế độ, chính sách của Ngành thường xuyên sửa đổi, bổ sung, thay thế liên tục có lúc chưa nắm bắt, hướng dẫn triển khai kịp thời.
Do đó, Tổ giám sát của Liên đoàn Lao động huyện đề nghị trong thời gian tới Phòng lao động- thương binh và xã hội tiếp tục tham mưu UBND huyện, phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan từ huyện đến xã, thị trấn triển khai thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định pháp luật đối với người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật lao động, phối hợp Tổ liên ngành của huyện kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động phù hợp điều kiện, tình hình thực tế trong công tác phòng, chống dịch Covid- 19. Tham mưu đề xuất về chế độ, chính sách hỗ trợ để Hòa giải viên lao động tham gia tích cực các nhiệm vụ phát sinh liên quan đến tranh chấp lao động. Thông tin, phối hợp với các ngành liên quan để theo dõi việc thực hiện và tuyên truyền giải thích, vận động, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp lao động./.