Nhằm kiểm soát, khống chế, không để dịch bệnh động vật tái trở lại và lây lan diện rộng, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, nhất là trong điều kiện, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; thực hiện Chỉ thị số 6477/CT-BNN-TY ngày 08/10/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Công văn số 3896/UBND-KT ngày 15/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh và Công văn số 3201/SNNCCCNTY ngày 21/10/2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong đã ban hành Công văn số 3492/UBND-KT ngày 28/10/2021 yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tập trung triên khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ động nắm chắc tình hình diễn biến, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, phát hiện sớm các ổ dịch bệnh nguy hiểm, chú ý các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, những ổ dịch cũ, nguy cơ cao, tổ chức khoanh vùng, dập dịch và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới xuất hiện; đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi, khu vực có nguy cơ cao; bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất cho đàn gia súc, gia cầm để nâng cao sức đề kháng; tăng cường công tác tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của các loại dịch bệnh ở động vật để nhân dân hiểu rõ, giám sát, phát hiện và báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y của địa phương nhằm ngăn chặn kịp thời ổ dịch bệnh mới phát sinh, tránh lây lan diện rộng và không giấu dịch, không vứt xác gia súc, gia cầm ra môi trường làm lây lan dịch bệnh; không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc, nhập lậu. Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh động vật ở các xã, thị trấn.
2- Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Nông nghiệp huyện: Chủ động, phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh nhằm phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; phối hợp tổ chức xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Theo dõi, nắm tình hình dịch bệnh tại các địa phương, nhất là các địa phương có nguy cơ cao, có ổ dịch trước đây; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh sát trùng chuồng trại; rà soát, củng cố lực lượng thú y cơ sở nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn.
3- Trung tâm Y tế huyện: phối hợp với các phòng, ban huyện liên quan và các xã, thị trấn tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm dịch bệnh lây lan từ động vật sang người như Cúm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8; chủ động giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm trường hợp người mắc bệnh, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan diện rộng; đảm bảo đủ cơ số trang thiết bị y tế, thuốc và hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch và khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch từ động vật lây sang người và các loại dịch bệnh khác; phối hợp cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
4- Trung tâm Văn hóa thể thao - Truyền thanh truyền hình huyện: Phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh động vật, tình hình diễn biến và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, thực hiện đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, chỉ sử dụng sản phẩm động vật có nguồn gốc, đã qua kiểm dịch; các chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, thực hiện đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
5- Công an huyện, Đội Quản lý thị trường số 03: Chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trên địa bàn huyện; phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc hoặc bất hợp pháp vào địa bàn làm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
6- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả “tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi” đợt 2 năm 2021, từ ngày 25/10/2021 đến ngày 25/11/2021.