Nhận thức rõ công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội là một trong những nhiệm vụ then chốt trong công tác xây dựng Đảng; Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp uỷ các xã, thị trấn; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội huyện thực hiện có hiệu quả và nghiêm túc công tác này. Việc kiện toàn, củng cố xây dựng đội ngũ cộng tác viên, nghiên cứu dư luận xã hội được quan tâm thực hiện; công tác nắm bắt tình hình dư luận xã hội trên địa bàn huyện đối với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tình hình, diễn biến trên lĩnh vực tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hoá việc triển khai thực hiện các văn bản cấp trên, nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy làm công tác dư luận xã hội được quan tâm thực hiện. Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập, xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với 12 thành viên. Ban Tuyên giáo Huyện uỷ ban hành quyết định, xây dựng Quy chế hoạt động của Tổ Cộng tác viên dư luận xã hội cấp huyện với 20 thành viên. Đồng thời, chỉ đạo cấp uỷ các xã, thị trấn hình thành lực lượng cộng tác viên dư luận xuống tận địa bàn dân cư. Đến nay 11/11 xã, thị trấn đã thành lập Tổ cộng tác viên dư luận xã hội với 105 thành viên.
Hàng năm, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ duy trì việc tổ chức giao ban dư luận xã hội định kỳ hàng quý; thông qua đó, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ đã nắm bắt, phản ánh, đề xuất, tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo giải quyết những bức xúc, tâm tư nguyện vọng, những vấn đề phát sinh được dư luận quan tâm; đồng thời hướng dẫn, định hướng dư luận xã hội, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, góp phần hạn chế hình thành điểm nóng trên địa bàn huyện.
Hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dư luận các cấp thời gian qua, nhìn chung đã phát huy được vai trò, có nhiều đóng góp quan trọng trong định hướng tư tưởng, giải thích thông suốt dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú: tiếp dân, đối thoại với Nhân dân, tiếp xúc cử tri, nhất là thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Huyện uỷ với Ủy ban nhân dân huyện trong giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân đã có bước chuyển biến.
Cùng tham gia công tác định hướng dư luận xã hội; đến nay, trên địa bàn huyện có trên 292 Trang mạng xã hội công khai do các cơ quan thành viên BCĐ 35 huyện, cấp ủy các xã, thị trấn, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thành lập và quản lý. Các trang Facebook, Fanpage kết nối, chia sẻ, lan toả thông tin tích cực và các bài viết đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái thù địch. 11/11 cấp ủy các xã, thị trấn và Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đều có lập Fanpage và zalo để nắm bắt, chia sẻ thông tin chính thống và định hướng dư luận xã hội đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trên các lĩnh vực có thể tác động đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kịp thời báo cáo Huyện ủy chỉ đạo giải quyết, xử lý theo quy định. UBND huyện quan tâm rà soát, đối thoại, giải quyết các vụ việc bức xúc, nổi lên liên quan trực tiếp đến quyền lợi của tổ chức, người dân, các vấn đề về tôn giáo dân tộc, hạn chế xảy ra vụ việc phức tạp, điểm nóng trên địa bàn huyện.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW đã xuất hiện một số mô hình, cách làm hiệu quả như: Đảng uỷ Công an huyện Tuy Phong thực hiện công trình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác “Vận động chức sắc, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số tham gia giữ gìn an ninh, trật tự tại cơ sở”. Công an huyện đã lập danh sách 47 người có uy tín, tiến hành nhiều lượt thăm gặp, nắm tình hình dư luận trong vùng đồng bào dân tộc, tặng quà nhân dịp các lễ hội truyền thống. Qua gặp gỡ, nắm tình hình, tuyên truyền, vận động bà con vùng dân tộc đã giúp cho cơ quan Công an huyện giải quyết nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Điển hình là vụ bắt khởi tố đánh nhau giữa thanh niên người Chăm và số người Kinh xảy ra vào ngày 03/11/2021 trên địa bàn xã Vĩnh Tân. Vụ việc bức xúc của 14 hộ dân đồng bào người Chăm ở thôn Tuy Tịnh 2 - Phong Phú liên quan đến quá trình thi công tuyến đường cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn huyện...Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua được giữ vững, ổn định.
Công tác nắm bắt dư luận xã hội được các cấp quan tâm, phản ánh kịp thời. Thông tin phản ánh chủ yếu tập trung vào nhiều vấn đề, sự kiện được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân quan tâm: việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 (khoá XI, XII); về tình hình Biển Đông; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội; công tác đền bù giải tỏa; tranh chấp đất đai, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông; bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện chính sách xã hội; tình hình tôn giáo, dân tộc; tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo… Nhiều nội dung phản ánh có tính thời sự, nhạy cảm và có tác động lớn đến sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện đối với các địa phương, cơ quan, đơn vị được triển khai thực hiện. Việc phản ánh dư luận đã trở thành một kênh thông tin quan trọng góp phần giúp cấp uỷ, chính quyền có cơ sở đề ra biện pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, cổ vũ, động viên các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện đã đề ra./.