Theo dự báo của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), nếu tốc độ tăng trưởng GDP trung bình tiếp tục duy trì ở mức 7,1%/năm thì nhu cầu về điện của Vịêt Nam sẽ là 200.00GWh vào năm 2020 và 327.000GWh vào năm 2030. Trong khi đó, nếu huy động tối đa các nguồn điện như thuỷ điện, nhiệt điện như lâu nay thì cũng chỉ ở mức 165GWh vào năm 2020 và 208GWh vào năm 2030. Điều này nói lên rằng, nếu chúng ta không có một hướng đi mới trong việc khai nguồn năng lượng mới thì chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ thiếu điện trầm trọng.
Một trong những hướng đi đó, chính là việc nghiên cứu, khai thác một dạng năng lượng mới; đó là năng lương gió, tham gia vào nguồn cung cấp năng lượng ở nước ta. Đối với các nước trên thế giới, việc khai thác năng lượng điện gió đã được tiến hành trong nhiều năm qua, đặc biệt là các nước không có lợi thế về thuỷ điện, nhưng có lợi thế về tiềm năng gió như các nước Bắc Âu là Nauy, Đan Mạch, Phần Lan, Thuỵ Điển. Ở Châu Á, một số nước cũng đã đi tiên phong trong lĩnh vực này và rất thành công đó là Ấn Độ, Philippine, Trung Quốc.
Đối với Việt Nam chúng ta, với bờ biển dài hơn 3000km, nằm trong khoảng 8o-23o vĩ bắc thuộc khu vực khí hậu cận nhiệt đới gió mùa, mỗi năm có hai mùa gió chính, một số vùng núi có gió địa hình tốt 5-7m/s như ở Tây Trang, Hoàng Liên Sơn; một số khu vực dọc theo bờ biển như ở cửa Tùng (Quảng Trị), Cà Ná ( Ninh Thuận), Tuy Phong (Bình Thuận), Phương Mai (Bình Định) và Tu Bông (Khánh Hoà) là những vùng tiềm năng gió tốt, có một lợi thế rât lớn để phát triển năng lượng điện gió. Theo chương trình đánh giá về năng lượng châu Á, Ngân hàng thế giới đã có một khảo sát chi tiết về năng lượng gió khu vực Đông Nam Á và cho rằng Việt Nam cùng với Philippine là hai quốc gia có lợi thế vế tiềm năng gió rất lớn. Theo tính toán, thì ở Việt Nam có tới 8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng gió từ tốt đến rất tốt; trong khi đó tương ứng ở những nước lân cận như Campuchia là 2%, Lào là 2,9% và Thái Lan là 2%.Tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt 513.360MW tức là hơn 200 lần công suất của thuỷ điện Sơn La, và hơn 10 lần công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. Tất nhiên để chuyển từ tiềm năng lý thuyết thành tiềm năng có thể khai thác, đến tiềm năng kỹ thuật và cuối cùng thành tiềm năng kinh tế là cả một quá trình; nhưng điều đó không ngăn cản việc chúng ta xem xét một cách kỷ càng tiềm năng to lớn về năng lượng gió ở nước ta.
Theo nghiên cứu của WB, các vùng giàu tiềm năng nhất để phát triển năng lượng gió của nước ta là Ninh Hải (Ninh Thuận) và vùng đồi cát ở độ cao 60-100m phía tây Hàm Tiến đến Mũi Né (Bình Thuận), Tuy Phong và huyện Đảo Phú Quý. Gió vùng này không những có vận tốc trung bình lớn mà còn có một thuận lợi khác. Đó là số lượng các cơn bão khu vực ít và gió có xu thế ổn định. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển năng lượng điện gió. Trong những tháng có gió mùa, tỷ lệ gió Nam và Đông Nam lên đến 98% với vận tốc trung bình 6-7m/s, tức là vận tốc có thể xây dựng các trạm điện gió công suất 3-3,5MW. Theo tính toán kỹ thuật thì với những vùng có tốc độ gió trung bình đạt từ 3,5m/s trở lên, đều có thề lắp máy gío và sản ra điện năng.
Với những kết quả nghiên cứu như trên, chúng ta nhận thấy rằng, việc nghiên cứu, lắp đặt các nhà máy điện gió ở Vịệt Nam và đặc biệt ở Bình Thuận là rất khả thi. Có thể nói, trong tình hình khan hiếm điện năng như hiện nay, việc chú ý phát triển năng lương điện gío là một hướng đi đúng, cần đặc biệt quan tâm, không những nhằm đa dạng hoá nguồn cung cấp năng lượng, phát triển năng lượng bền vững cho Việt Nam mà còn đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường .Một điều cần nói thêm rằng, hiện nay tốc độ phát triển năng lượng điện gió ở trên thế giới ngày càng cao, không chỉ vì nó là nguồn năng lượng đầy tiềm năng, một nguồn năng lựơng sạch được khuyến khích, mà còn ngày càng rẻ do trình độ công nghệ ngày càng cao. Ngoài ra, việc lắp đặt các nhà máy điện gió, có thể nằm sát khu vực dân cư nên giảm một cách đáng kể chi phí truyền tải và tổn hao năng lượng trên đường dây. Và còn có thể lắp đặt ngoài khơi; nên tận dụng tối đa được quỹ đất.
Bên cạnh những lợi ích được nêu ở trên, chúng ta còn có thể kể đến những lợi ích về mặt xã hội; thí dụ như không phải di dời dân ở quy mô lớn, phải mất nhiều đất sản xuất như đối với các dự án nhà máy thuỷ điện; lợi ích về bảo vệ môi trường, như sự cố rò rĩ hạt nhân đối với nhà máy điện nguyên tử, hoặc gây ra ô nhiễm mội trường đối với các nhà máy nhiệt điện.
Với một tiềm năng lớn và những lợi ích thiết thực như trên, hiện nay Viện Năng Lượng đã điều tra, khảo sát, đo đạc và lập quy hoạch năng lượng điện gió tại Việt Nam. Và hiện nay ngoài dự án điện gió ở đảo Bạch Long Vĩ- Hải Phòng có công suất thiết kế 800KW đã đi vào vận hành, khai thác. Một số dự án lớn cũng đã manh nha, thực hiện những bước đi cần thiết ban đầu như 3 dự án nhà máy điện gió tại Quy Nhơn, tổng công suất thiết kế lần luợt là 50MW, 51MW và 84MW do công ty Đầu Tư và Phát Triển phong điện Miền Trung thực hiện trên cơ sở đầu tư theo hình thức BOT. Tại huyên Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đang được Chính phủ Ấn Độ hợp tác với EVN triển khai dự án nhà máy điện gió có công suất dự kiến là 625MW.
Và riêng tại Bình thuận, Công ty Cổ phần năng lượng Tái Tạo Việt Nam cũng đã đưa vào khai thác nhà máy Phong điện 1, có công suất 30MW tại huyện Tuy Phong-Bình Thuận, với tổng sản luợng điện hàng năm lên đến 85 triệu KWh/năm. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chấp thuận cho cấp phép cho 17 công ty giấy chứng nhận, khảo sát đầu tư với công sụất đăng ký lên đến hàng ngàn MW và trong đó đã có 5 công ty đang thực hiện các bước xây dựng và lắp đặt thiết bị, với tổng công suất trên 200MW.
Tuy nhiên, để thu hút đầu tư mạnh hơn nữa về lĩnh vực này và phát huy tiềm năng, lợi thế của Việt nam, đưa dòng điện phát bằng sức gió hoà vào mạng lưới điện và biến tiềm năng gió thành một trong những nguồn năng lượng quan trọng trong hệ thống năng lượng quốc gia, thì chúng ta cần nhanh chóng có một chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này, một nguồn năng lượng sạch đang được thế giới ưa chuộng; cũng như có các quy định về giá mua điện gió, chúng ta cần sớm nghiên cứu một cách toàn diện, khảo sát trên quy mô quốc gia, xây dựng được bảng số liệu các thông số kỹ thuật về gió tại các vị trí khác nhau. Để từ đó, phối hợp với các địa phương đưa ra quy hoạch tổng thể các khu vực có thể xây dựng các nhà máy điện gió, tránh việc quy hoạch chồng chéo, lãng phí. Đồng thời cần hoàn chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật về điện gió, xây dựng các nhà máy bảo hành, sửa chữa và các dịch vụ khác sau lắp đặt.
Với những thông tin về tiềm năng gió ở Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng, chúng ta nhận thấy rằng, chúng ta có nhiều lợi thế để xây dựng các nhà máy điện gió cở lớn, góp phần đáng kể trong việc giải quyết thiếu hụt năng lượng điện, vấn đề còn lại là ngay từ bây giờ, phải hoàn chỉnh hơn nữa các chính sách, các quy định về điện gió; làm thật tốt công việc quy hoạch, có những bước đi cần thiết để chuẩn bị cho công việc đầu tư. Với những thành công của các nước đi trước chúng ta như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippine trong lĩnh vực này, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng điện gió chính là đáp số của bài toán thiếu hụt năng lượng trong tương lai.
Hồ Trung Phước
Bí thư Huyện ủy Tuy Phong