Có mặt tại thôn 2, xã Phước Thể trong những ngày đầu ra quân thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2013 mới thấy được sức mạnh và vai trò của nhân dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Những tuyến đường cát nắng rát, mưa sụt sùi giờ đã trở thành bêtông hoá sạch sẽ, tạo nên diện mạo xóm thôn khang trang. Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lũ, 70 tuổi vui vẻ cho biết: Trước đây, Nhà nước quan tâm mở mới nhiều con đường liên thôn, liên xóm nhưng do kinh phí hạn hẹp nên hầu như chỉ là đường đất cát, đi lại rất khó khăn. Giờ bà con ai cũng vui, phấn khởi đóng góp tiền của, ngày công cùng nhà nước làm đường bê tông, đi lại thuận lợi hơn.
Phước Thể là xã ven biển, dân số gần 13 ngàn người, nhưng có đến 80% dân cư sống bằng nghề biển. Với điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, đời sống ngư dân “đói no do biển”; Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã chỉ đạo sát sao, tích cực đối với tất cả các ban, ngành, đoàn thể, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong đó, riêng về lĩnh vực làm đường giao thông được xã phát động phong trào, vận động tuyên truyền trực tiếp đến tới tất cả các thôn, xóm và từng hộ gia đình. Nhờ đó, việc hiến đất làm đường giao thông liên thôn, đóng góp xây dựng nông thôn mới của đảng viên tại các chi bộ đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư. Đi trên con đường bêtông sạch sẽ bên cạnh những ngôi nhà khang trang, mới thấy Phước Thể đã thực sự vươn lên trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Vui hơn khi biết nhiều hộ dân tham gia hiến đất, đóng góp công sức, tiền của làm đường giao thông xuất phát từ nhận thức, bởi họ hiểu tham gia xây dựng nông thôn mới chính là tạo điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế cho gia đình, cho thôn mình. Ai cũng phấn khơi mỗi khi bước đi trên đường thông thoáng, sạch đẹp.
Ảnh: Bến tàu Phước Thể
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hớn - Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Thể cho biết: “Với đảng bộ chúng tôi, sức mạnh đồng thuận của nhân dân là chỗ dựa, là yếu tố quyết định cho việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Và thực tế, chương trình xây dựng nông thôn mới đã phát huy được sức mạnh ấy". Theo ông Hớn, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, nguồn vốn đầu tư cho công trình trên địa bàn xã đều được vận động, công khai, dân chủ trước dân và luôn được nhân dân đồng tình ủng hộ. Năm qua xã đã hoàn thành 2 tuyến đường dài hơn gần 1 km với kinh phí 370 triệu đồng, trong đó huy động trong dân 129 triệu đồng và cũng đã thi công 8 tuyến đường bổ sung dài gần 1 km, với kinh phí 687,56 triệu đồng, trong đó vốn huy động trong dân 240 triệu đồng. Phát triển giao thôn nông thôn, ngoài ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề phát triển kinh tế, văn hoá xã hội còn tạo được sự đoàn kết, gắn bó trong nhân dân, qua đó khơi dậy được tiềm năng, phát huy sức mạnh của nhân dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH của địa phương.
Dẫn chúng tôi dạo trên tuyến đường liên thôn vừa mới mở, ông Đặng Thiện Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thể chia sẻ: “Hiện tại, xã chúng tôi mới chỉ đạt được 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và thực tế việc thực hiện những tiêu chí còn lại vẫn còn muôn vàn khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ quyết tâm để có những bước đi vững chắc”.
Ở Tuy Phong trong 10 xã thực hiện Chương trình nông thôn mới, Phước Thể là một địa phương đạt nhiều tiêu chí nhất. Sau khi hoàn thành một số tuyến đường giao thông nông thôn, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã tuyên truyền, vận động người dân các thôn nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng trong việc tự quản lý các tuyến đường. Đồng thời, tiến hành khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của người dân để đăng ký với huyện tham gia mở mới và bê tông một số tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã trong thời gian tới.
MINH CHIẾN