Hiện nay, toàn huyện có 194 doanh nghiệp/3.105 công nhân (khoảng 40% nữ), tăng 62 doanh nghiệp so với năm 2008; trong đó, doanh nghiệp Nhà nước 06/313 công nhân, ngoài khu vực Nhà nước 188/2.792 công nhân. Số công nhân trong doanh nghiệp Nhà nước ổn định; phần lớn được đào tạo, chuẩn hoá về chuyên môn nghiệp vụ; có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức, kỷ luật tốt; chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị; tác phong làm việc công nghiệp; tinh thần thái độ phục vụ nhân dân ngày càng nâng lên. Số công nhân trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước luôn biến động, không ổn định; đa số là lao động phổ thông, trình độ học vấn và tay nghề chưa cao. Toàn huyện hiện có 18 tổ chức Công đoàn/194 doanh nghiệp (tăng 8 Công đoàn so với năm 2008); tổng số đoàn viên Công đoàn 1.041/3.105 công nhân, tỷ lệ 32,53%. Đa số CNLĐ tư tưởng ổn định, giữ vững quan điểm lập trường của giai cấp công nhân, không dao động trước những khó khăn, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới và sự phát triển của địa phương; mong muốn có việc làm ổn định, thu nhập tương xứng với sức lao động, bảo đảm cuộc sống, được học tập nâng cao trình độ mọi mặt, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên.
Ảnh: Lực lượng công nhân công ty nước suối Vĩnh Hảo
Công tác đào tạo nghề, hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn được quan tâm. Trong 5 năm (2008-2012), toàn huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho 5.208/5.095 lao động, đạt 102%, giải quyết việc làm sau đào tạo nghề là 4.642, chiếm 89% số được đào tạo và 91% số lao động. Số công nhân được Nhà nước đào tạo nghề là 1.832 (so với năm 2008 có 860); các doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho 502 công nhân, trong đó có 26 công nhân được Nhà nước cử đi học trung cấp chuyên môn trở lên; bồi dưỡng, nâng cao tay nghề tại chỗ cho 476 công nhân, tổ chức thi tay nghề, nâng bậc thợ cho công nhân; hầu hết công nhân qua đào tạo, bồi dưỡng tay nghề được nâng cao, góp phần chất lượng, hiệu quả trong lao động sản xuất, kinh doanh đơn vị, một số công nhân qua đào tạo đã tham gia công tác quản lý doanh nghiệp; một bộ phận CNLĐ trẻ ở các doanh nghiệp trình độ kỹ năng, tay nghề cao, có khả năng thích ứng với cơ chế thị trường, tiếp cận nhanh với khoa học và công nghệ tiên tiến; hầu hết cán bộ, đảng viên là lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp Nhà nước học qua các lớp lý luận chính trị trung cấp, sơ cấp tại huyện. Công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ được đảm bảo; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp được tăng cường hơn.
Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của chính quyền, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị- xã hội khác trong xây dựng giai cấp công nhân ngày càng chuyển biến. Toàn huyện có 18 doanh nghiệp đã có tổ chức Công đoàn, 8 doanh nghiệp có tổ chức Đảng, 11 doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tổ chức Công đoàn/175 đoàn viên; 02 doanh nghiệp có chi đoàn/13 đoàn viên; có 18 cảm tình Đảng/06 doanh nghiệp. Các cấp ủy quan tâm lãnh đạo củng cố, xây dựng tổ chức Công đoàn; đổi mới nội dung phương thức hoạt động theo hướng hiệu quả, từng bước đáp ứng nhu cầu thiết thực của CNVCLĐ; các Nghiệp đoàn và tổ chức Công đoàn, đoàn viên Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng hàng năm. Ủy ban nhân dân huyện và LĐLĐ huyện xây dựng Quy chế phối hợp trong nhiệm kỳ, có nhiều giải pháp nâng cao nhận thức của đội ngũ CNVCLĐ về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Hàng năm, hai bên rà soát, sơ kết đánh giá, bổ sung Quy chế phối hợp; hướng dẫn bổ sung Quy chế phối hợp giữa Ban Giám đốc và CĐCS ở các doanh nghiệp, thúc đẩy tổ chức Công đoàn phát triển, hoạt động có hiệu quả hơn.
Các cấp ủy lãnh đạo chính quyền phát huy vai trò quản lý Nhà nước của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc xây dựng đội ngũ công nhân tại đơn vị, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật trong lao động, đạo đức nghề nghiệp; quan tâm đào tạo nâng cao chuyên môn nghề nghiệp, lý luận chính trị, thi nâng bậc thợ, chấp hành pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, đẩy mạnh phong trào thi đua khen thưởng, phát huy dân chủ của công nhân tham gia xây dựng doanh nghiệp, đơn vị vững mạnh; phối hợp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân.
Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được các doanh nghiệp quan tâm phát động, nhằm đẩy mạnh thi đua sản xuất, kinh doanh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về thời gian, kinh phí, trang thiết bị, kích thích CNLĐ hăng hái lao động sản xuất, kinh doanh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thông qua các cuộc thi tay nghề, thợ giỏi, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng kiến kinh nghiệm, các đề tài, giải pháp đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, thể hiện trách nhiệm cao và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh; ở các CĐCS CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo, CTCP Tảo Vĩnh Hảo, Điện Nông thôn có 65 sáng kiến cấp cơ sở, 26 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tế, làm lợi cho đơn vị là 3.358 triệu đồng; có 18 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm đạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và cấp ngành.
Nhìn chung, trong 5 năm qua, các cấp ủy, chính quyền, LĐLĐ, Mặt trận, các đoàn thể nghiêm túc tổ chức quán triệt, học tập, phổ biến và triển khai thực hiện có kết quả tích cực trong việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Kế hoạch của Huyện ủy về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong sự phát triển kinh tế- xã hội của huyện nhà, của từng doanh nghiệp có sự đóng góp trực tiếp, quan trọng của giai cấp công nhân.
Các cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp, Công đoàn, các đoàn thể chính trị- xã hội quan tâm hơn việc bồi dưỡng, giáo dục giác ngộ chính trị, ý thức giai cấp, ý thức dân tộc, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng đối với công nhân trong doanh nghiệp; có chuyển biến tích cực trong việc thực hiện các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước đối với công nhân. Quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Đảng, chính quyền, công đoàn, chi đoàn và bồi dưỡng phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp. Giai cấp công nhân trong huyện có những chuyển biến quan trọng, tăng về số lượng, chất lượng; cơ cấu ngày càng đa dạng hơn; có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân nhìn chung ổn định, một bộ phận được cải thiện rõ rệt; việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các loại hình doanh nghiệp bước đầu có chuyển biến. Ý thức giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, hiểu biết pháp luật, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, xây dựng lối sống lành mạnh của một bộ phận công nhân được nâng cao hơn; vai trò công nhân tham gia các hoạt động chính trị, phát huy dân chủ tại doanh nghiệp ngày càng rõ nét, có hiệu quả, góp phần xây dựng doanh nghiệp phát triển./.
MINH CHIẾN