Theo báo cáo của Huyện ủy Tuy Phong tại cuộc làm việc, hiện nay tổng số người Chăm có 5.269 khẩu/1.275 hộ ở 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong những năm qua, kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào Chăm phát triển khá rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên; hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư; giao thông đi lại thuận tiện, vùng đồng bào Chăm đều có hệ thống thủy lợi, trạm y tế, trường học và điện lưới quốc gia và hệ thống cung cấp nước sạch. Những hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà ở và cấp bảo hiểm y tế. Đến nay, có 318 hộ nghèo được cấp hơn 294 ha đất sản xuất; 104 hộ được vay hơn 1,1 tỷ đồng mua bò; hàng trăm hộ được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi; bình quân thu nhập bằng tiền 9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm 11,61%. Hiện nay, có hơn 415 sinh viên người Chăm tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp đang làm việc ở các cấp, ngành trong và ngoài tỉnh, trong đó 7 thạc sỹ chuyên khoa I... Đồng bào Chăm phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao dân trí…
Tại buổi làm việc, đồng chí Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đánh giá cao những kết quả mà Tuy Phong đã đạt được trong quá trình phát triển dân sinh, kinh tế-xã hội vùng đồng bào Chăm. Ông Mã Điền Cư đề nghị, huyện Tuy Phong tiếp tục chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao; quan tâm tạo việc làm, giải quyết đất sản xuất cho đồng bào Chăm, góp phần giảm hộ nghèo, nâng cao đời sống. Chỉ đạo triển khai tốt hơn nữa các chương trình y tế quốc gia, chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào Chăm. Tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh./.