Giờ đây, ai cũng nhìn rõ sự hồi sinh từng ngày từ mảnh đất Vĩnh Tân đầy nắng gió khắt nghiệt. Ngoảnh lại phía sau năm tháng thì vết tích chiến tranh đã lành hẳn, sự hồi sinh nơi đây không chỉ là những công trình nhiệt điện, điện năng lượng mặt trời, cảng biển quốc tế tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á mà còn là một trung tâm năng lượng đầy triển vọng của tỉnh. Nếu có một câu đại diện để người ta phác họa mảnh đất này, chẳng gì hơn hai tiếng “tiềm năng”. Cái tên Vĩnh Tân hình thành từ ý nghĩa chỉ nơi yên tĩnh, mới mẻ và đẹp như gấm vóc, nơi có rừng, có biển và giàu tài nguyên, nhưng có lẽ “tiềm năng” mới đủ sức gợi lên những cảm xúc mạnh mẽ về xứ sở này.
Đất nước Việt Nam mang dáng hình chữ S. Sơn mạch địa đồ chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam nên đã tạo ra bản năng dòng chảy của những con sông thiên hướng phóng mình về biển cả, giống như khát vọng của con người chinh phục đại dương. Có ai biết rằng, nơi những đầu sóng gối bờ nối đất liền với đại dương, nghìn đời nay thăng trầm bên biển, vậy mà khi Cảng quốc tế Vĩnh Tân hoàn thành là những hạ tầng hiện đại, đồng bộ với hệ thống các bãi chứa hàng rời, bãi hàng tổng hợp, bãi hàng container, kho silo có diện tích khoảng 110.000 m2 và kho hàng quy mô trên 5.000 m2, tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn, công suất 8 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, trở thành nơi trung chuyển hàng hóa các tỉnh lân cận thuộc khu vực Nam Trung Bộ và cả khu vực Tây Nguyên.…
Vĩnh Tân nhiều tiềm năng là thế, người dân Vĩnh Tân kiên cường, cần cù là vậy, nhưng mảnh đất này chỉ thực sự dần đổi thay sau những ngày đổi mới, với những thế hệ mới. Nhìn phía núi là các dự án điện mặt trời, tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, nhìn ra biển thấy Cảng quốc tế Vĩnh Tân vươn dài, những nhà máy nhiệt điện đồ sộ, xa xa là đảo Lao Câu tựa như chiến hạm hướng ra biển lớn...Vĩnh Tân không phải là nơi duy nhất ở Tuy Phong có biển, có nắng và gió, nhưng nếp sống công nghiệp dường như chỉ có ở đây là đậm nét nhất.
Chứng kiến quê hương thay da đổi thịt từng ngày, người dân Vĩnh Tân không khỏi bồi hồi xúc động. Với những người sinh ra và lớn lên thời kỳ trước giải phóng đất nước 30/4/1975, vùng đất Vĩnh Tân là hình ảnh của những ngày đấu tranh và trường kỳ kháng chiến, của tiếng nói đau thương mà hào hùng, bất khuất. Với thế hệ sau, đó là những năm tháng lao động không biết mỏi mệt, phấn đấu xây dựng quê hương. Tiếng gọi vùng đất khắt nghiệt khi ấy là đại diện cho ý chí thép, của những con người kiên trì bám đất giữ làng được tôi rèn trong lửa đạn. Đất xưa giờ đã là “đô thị”, là điện, cảng biển, đường bộ cao tốc, những nhà cao tầng hiện đại, quy hoạch gọn ghẽ, đô thị mới mọc lên. Người dân vùng đất nắng gió đã khác xưa. Họ có thể mặc áo công nhân, kỹ sư, tham gia vận hành và điều khiển máy móc hiện đại, đi làm có xe đưa đón, có nhiều dự định làm ăn và làm giàu khi cơ hội để phát triển là rất lớn..
Khát vọng vươn lên “Trung tâm năng lượng– Cảng biển hiện đại”, Vĩnh Tân của thế hệ hôm nay là vậy, với nhịp sống công nghiệp lan trên đường xá, những chuyến xe chở công nhân chạy đều đặn như thoi đưa, với những chuyến tàu tấp nập ra vào cảng “ăn” hàng…