Tuy Phong đã tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc Nghị quyết 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 29-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XII) Về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đồng thời xây dựng Kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền được tiến hành thường xuyên góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân trong huyện.
Trong quá trình tổ chức thực hiện đã gắn với quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh về văn hóa, văn nghệ như về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại; gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Về xây dựng con người Tuy Phong gắn với tiêu chí phát triển toàn diện
Mặc dù còn nhiều vấn đề hạn chế về mặt văn hoá, xã hội, nhưng nhìn chung, con người Tuy Phong có tinh thần yêu quê hương, đất nước, có lối sống lành mạnh, tích cực lao động và sáng tạo, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội; Huyện cũng rất quan tâm sự nghiệp giáo dục và phát huy vai trò trường học để bồi dưỡng, rèn luyện các thế hệ về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống, hướng đến các giá trị Chân-Thiện-Mỹ.
Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn huyện được duy trì và tổ chức thường xuyên với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo khí thế sôi nổi, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, đáp ứng kịp thời nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân. Đến nay, tổng số người tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn huyện đạt 58,10%. Phong trào ”Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được quan tâm lãnh đạo và ngày càng đi vào chiều sâu, tính đến cuối năm 2018, có 32.181/35.055 hộ đạt gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 91,80% (so với năm 2014 tăng 2,77%); có 48/66 Thôn – Khu phố đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 72,72% (so với năm 2014 tăng 9,09%); có 152/156 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 97,43%. Các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trong huyện cơ bản thực hiện tương đối tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Công tác gia đình cũng được quan tâm, góp phần xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người, giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; duy trì và phát huy tinh thần tương tương ái, mối đoàn kết trong các cộng đồng dân cư.
Về Phát triển và nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa
Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch trên địa bàn huyện được thực hiện đạt những kết quả bước đầu. Trong 05 năm qua, đã đề xuất trùng tu xong Tháp Pô Dam (xã Phú Lạc); đề nghị công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với Đền thờ Pô Nưng Rúp (xã Phong Phú), Đình làng Lâm Lộc (xã Hòa Minh), Chùa Phú Sơn (xã Phú Lạc), Khu di tích lịch sử Cát Bay (xã Bình Thạnh). Tính đến nay, toàn huyện có 04 di tích được công nhận cấp Quốc gia (Đình Bình An, Chùa Cổ Thạch (xã Bình Thạnh); Tháp Pô Dam (xã Phú Lạc); Miếu Quang Thánh (xã Chí Công); 10 di tích cấp tỉnh (Đền thờ Pô Nưng Rúp (xã Phong Phú); Đình làng Lâm Lộc (xã Hòa Minh); Đình làng Long Hương (thị trấn Liên Hương); Chùa Phú Sơn (xã Phú Lạc), Khu di tích lịch sử Cát Bay, Lăng ông Nam Hải (xã Bình Thạnh); Đền thờ Hùng Vương, Vạn Xã Tân, Miếu Hải Tân (thị trân Phan Rí Cửa); Chùa Phước An (xã Chí Công), (so với năm 2014 tăng 04 di tích cấp tỉnh). Các lễ hội truyền thống được quan tâm phục dựng và tổ chức đúng quy định; trong đó, hàng năm, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tốt Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch) tại Đền thờ Hùng Vương (thị trấn Phan Rí Cửa); các nhạc cụ truyền thống được gìn giữ và phát huy hiệu quả trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số như trống Ginăng, paranưng, kèn Saranai của dân tộc Chăm, Mãla của dân tộc Rắclây được tổ chức trong dịp lễ, tết của đồng bào dân tộc thiểu số. Các thiết chế văn hoá được quan tâm đầu tư xây dựng, đến nay toàn huyện có 02 Trung tâm Văn hóa, thể thao cấp huyện; 01 Nhà hát; 08 Nhà Văn hóa xã (Bình Thạnh, Chí Công, Hòa Minh, Vĩnh Hảo, Phước Thể, Phong Phú, Phú Lạc, Phan Dũng) và 27 Nhà văn hóa thôn; 12/12 xã, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng; 8/12 xã, thị trấn có sân bóng đá 11 người; thường xuyên duy trì tổ chức nhiều hoạt động, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo sân chơi lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân, đáp ứng kịp thời nhu cầu hưởng thụ văn hoá cho nhân dân.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tốt, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh (giao thông, thủy lợi, điện, các công trình trường học, nhà văn hóa...) được quan tâm đầu tư; một số mô hình sản xuất mới bước đầu hình thành và triển khai thực hiện có hiệu quả ở một số xã góp phần nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giáo dục, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các chính sách an sinh xã hội... được quan tâm thực hiện tốt.Hệ thống chính trị ở nông thôn cơ bản được củng cố; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững. Đến nay toàn huyện có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Bình Thạnh, Hòa Minh, Phước Thể, Vĩnh Hảo). Lũy kế đến cuối năm 2018 toàn huyện đạt 129 tiêu chí, bình quân 12,9 tiêu chí/1xã. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, khởi sắc hơn.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận các đoàn thể một số địa phương trong việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết chưa thường xuyên và kịp thời; công tác phối kết hợp triển khai thực hiện Nghị quyết chưa đồng bộ; sự hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân vẫn còn thấp, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao ở cơ sở chưa nhiều, hiệu quả chưa cao; các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma tuý, bạo lực gia đình, hành vi xem thường pháp luật, những biểu hiện “thương mại hóa" văn hoá, xu hướng lai căng, xa rời bản sắc văn hoá dân tộc, suy thoái về đạo đức, lối sống, buông thả dẫn đến vi phạm pháp luật, làm ăn phi pháp ở một bộ phận nhân dân chưa được ngăn chặn kịp thời; các hoạt động văn hoá tổ chức chưa nhiều hoặc giá trị xã hội, giá trị thẩm mỹ chưa cao; chưa thu hút được sự sáng tạo và tham gia của quần chúng nhân dân. Để Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tiếp tục đi vào đời sống; bên cạnh những giải pháp đồng bộ,lâu dài thì trước mắt cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay; cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, ban hành các văn bản phù hợp với điều kiện và thực tế của địa phương. Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa. Quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa đúng thực chất; xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa của huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa đảm bảo tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa và phát triển con người. Tăng cường và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao rộng khắp đến từng địa bàn dân cư. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện.Tiếp tục quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và có biện pháp duy trì hoạt động đạt hiệu quả./.