Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội huyện Tuy Phong đến năm 2020, Huyện ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội theo từng giai đoạn (2006-2010 và 2011-2015). Hàng năm, căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, của tỉnh, yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương, Hội đồng nhân dân huyện ra nghị quyết để quyết định chủ trương, biện pháp trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, thi hành pháp luật, xây dựng chính quyền và quản lý địa giới hành chính trên địa bàn huyện...Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật, chủ yếu về triển khai nhiệm vụ thu, chi ngân sách; về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và mối quan hệ công tác của các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện; quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân; quy chế thi đua khen thưởng...là cơ sở pháp lý quan trọng để các phòng, ban thuộc huyện bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần giúp cho việc quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân huyện đạt hiệu quả hơn.
Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, đảm bảo theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004, Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004. Xác định tầm quan trọng của công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, huyện đã có sự quan tâm đầu tư cả về điều kiện làm việc cũng như nguồn nhân lực làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, phát huy vai trò của các cơ quan tư pháp và các đơn vị có liên quan trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện, xã ban hành đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật, đúng thẩm quyền; chất lượng văn bản quy phạm pháp luật từng bước được nâng lên; nội dung các văn bản xây dựng chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, sát với tình hình thực tế của địa phương và thực tiễn cuộc sống, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, có tác động tích cực, ngày càng hoàn thiện và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; trình tự thủ tục, kỹ thuật xây dựng văn bản ngày càng chặt chẽ, thống nhất. Trong 10 năm (2005-2015), Hội đồng nhân dân huyện ban hành 98 nghị quyết, cấp xã ban hành 356 nghị quyết. Ủy ban nhân dân huyện ban hành 93 quyết định), cấp xã ban hành 180 quyết định.
Việc tự kiểm tra, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật được Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện theo tinh thần Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật và Thông tư số 20/2010/TT-BTP ngày 30/11/2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP của Chính phủ; qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị, cá nhân các cấp trong soạn thảo, ban hành, tự kiểm tra, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật do cấp mình ban hành. Hàng năm, việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện và cấp xã được thực hiện nghiêm túc, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch của hệ thống pháp luật góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Trong 10 năm, đã rà soát, thống kê 191 văn bản do cấp huyện ban hành; trong đó, có 97 văn bản hết hiệu lực thi hành (64 nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, 33 quyết định của Ủy ban nhân dân huyện); sửa đổi, bổ sung, thay thế 12 quyết định của Ủy ban nhân dân huyện; bãi bỏ 02 Quyết định do Ủy ban nhân dân huyện ban hành do căn cứ pháp lý của văn bản đã hết hiệu lực. Hội đồng nhân dân huyện đã tổ chức 29 đợt với 183 cuộc giám sát về việc thi hành pháp luật, góp phần củng cố niềm tin vào Hội đồng nhân dân- cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Điều đáng ghi nhận là việc kiện toàn tổ chức, bộ máy và bảo đảm điều kiện hoạt động của bộ máy xây dựng và thi hành pháp luật luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện quan tâm. Theo đó, các cơ quan tư pháp huyện đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy phù hợp theo mô hình của tòa án và phục vụ tốt cho hoạt động xét xử của tòa án, từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác thi hành pháp luật đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong việc thực thi pháp luật và chấp hành pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và công dân, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật trên địa bàn huyện. Khâu kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật có cố gắng, nhất là các lĩnh vực, nội dung trọng tâm về xử lý vi phạm hành chính; các vấn đề về kinh tế- xã hội bức xúc hoặc được dư luận quan tâm như y tế, giáo dục, nông nghiệp, nông thôn, đất đai, xây dựng và xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường hơn, lồng ghép sinh động giữa triển khai các văn bản Luật với hình thức sân khấu hóa, tọa đàm, phát thanh, truyền hình và hình ảnh trực quan để nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; vừa đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Việc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý được coi trọng, đã tổ chức 25 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân, 7 cuộc thi tọa đàm tìm hiểu pháp luật; phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý và Hội Luật gia tỉnh tổ chức 26 đợt trợ giúp pháp lý lưu động ở các xã, thị trấn với trên 7.000 lượt người tham gia.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác xây dựng và thực thi pháp luật đã đạt được những kết quả tích cực, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của pháp luật và việc thi hành pháp luật trong đời sống xã hội, tạo hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế- xã hội và ổn định đời sống nhân dân. Kinh nghiệm được rút ra, đó là: (1)-Các cấp ủy, nhất là các cơ quan tư pháp phải thường xuyên quán triệt cho cán bộ, đảng viên cơ quan, đơn vị mình nhận thức đầy đủ, đúng đắn, nắm vững quan điểm, mục tiêu, định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; các giải pháp xây dựng và thi hành pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX). (2)-Phải bám sát vào các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; mục tiêu, quan điểm, phương hướng cải cách tư pháp; chương trình, kế hoạch của cấp trên và yêu cầu thực tế của địa phương, của từng cơ quan, đơn vị để xác định lộ trình, bước đi phù hợp và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống. (3)-Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm và khắc phục thiếu sót trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như việc thực thi pháp luật vào thực tiễn. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, có phẩm chất tốt, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp, đây là yếu tố có vai trò quyết định chất lượng, hiệu quả trong việc áp dụng, vận dụng thực thi pháp luật.