Thực trạng tình hình
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 14/11/2011 của BCH Đảng bộ huyện (khóa VII) về phát triển du lịch đến năm 2015; đến nay trên địa bàn huyện có 23 dự án đầu tư về du lịch, trong đó: Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận đầu tư 19 dự án với tổng diện tích 219,26 ha (4 dự án tại khu du lịch Bình Thạnh, 12 dự án ở khu du lịch Vĩnh Tân, 2 dự án ở khu du lịch Đồi Dương – Hòa Minh, 1 dự án ở xã Phong Phú); trong 19 dự án nêu trên, có 7 dự án đi vào hoạt động, 8 dự án đã tác động và đang tiếp tục triển khai, 4 dự án chưa triển khai (1 dự án xin chuyển đổi hình thức thuê đất, 1 dự án vướng đần bù, giải tỏa và 2 dự án làm thủ tục rà bom mìn và đền bù). Ủy ban nhân dân huyện chấp thuận đầu tư 4 dự án du lịch sinh thái cộng đồng với tổng diện tích 8,79 ha (1 dự án tại thị trấn Phan Rí Cửa đã đi vào hoạt động, 3 dự án tại xã Hòa Minh chưa triển khai do vướng đất nông nghiệp của dân).
Tổng kế hoạch nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng các dự án du lịch giai đoạn 2011 – 2015 là 99,422 tỉ đồng. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng tăng, cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách; hiện có 4 khách sạn chuẩn 1 sao, 73 nhà nghỉ và nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê với 573 phòng (trong đó có 3 nhà nghỉ và 29 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch). Số khách sạn, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê tăng 49%, số phòng tăng 12,2%, công suất phòng tăng 15% so với trước khi có Nghị quyết. Lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng năm sau tăng hơn năm trước; năm 2011 đạt 12,2% (374.964 lượt khách) đến năm 2015 tăng lên 40% ( 551.229 lượt khách), góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương.
Một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020.
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện; ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tham gia phát triển du lịch, để từ đó làm cho cộng đồng dân cư và các cơ sở kinh doanh du lịch chấp hành tốt các quy định của pháp luật về du lịch, từng bước xây dựng văn hóa trong kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh trong du lịch.
2. Thực hiện tốt công tác quy hoạch du lịch đã được phê duyệt để thu hút đầu tư, kiến nghị tỉnh sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu hậu cần phục vụ du lịch chùa Cổ Thạch – Bình Thạnh. Kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai của các dự án đã được chấp thuận đầu tư; kiến nghị thu hồi hoặc thu hồi các dự án chậm triển khai mà không có lý do chính đáng, tác động tỉnh tạo điều kiện thu hút các dự án có quy mô lớn, chất lượng cao để tạo điểm nhấn tại các khu du lịch.
3. Đưa vào sử dụng các công trình phục vụ du lịch đã được xây dựng. Tranh thủ các nguồn vốn để tập trung đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng tại các khu du lịch. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và nâng dần chất lượng khách sạn, nhà nghỉ để đáp ứng nhu cầu số lượng khách và kéo dài thời gian lưu trú. Phấn đấu có từ 2-3 dự án lớn đi vào hoạt động
4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh và tiềm năng du lịch của huyện bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp. Tổ chức tọa đàm để quảng bá, thu hút khác du lịch. Duy trì và nâng cao quy mô các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các lễ hội truyền thống mang tính đặc thù của địa phương nhằm đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Phấn đấu tăng lượng khách bình quân 10% hằng năm. Bằng nhiều hình thức giới thiệu các di tích lịch sử – văn hóa, các danh lam thắng cảnh của huyện đến với khách du lịch.
5. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, phát triển thêm các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch mới mang tính chất đặc trưng của huyện. Khảo sát, đánh giá tài nguyên các điểm du lịch mới để đưa và khai thác, hình thành nên các tour du lịch nội địa trong huyện. Tổ chức liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh, hình thành các tour, tuyến du lịch phù hợp với từng loại hình, sản phẩm du lịch lợi thế của huyện nhằm thu hút, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách.
6. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển du lịch huyện; phân công phối hợp thực hiện và quản lý hoạt động du lịch giữa các phòng, ban, ngành, chính quyền địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý về môi trường, xây dựng, đất đai, an toàn vệ sinh thực phẩm, ...; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, xử lý triệt để tình trạng ăn xin, cò cóc, đeo bám, chèo kéo khách, sắp xếp lại trật tự buôn bán ở khu du lịch Bình Thạnh.
7. Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ về du lịch, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, văn hóa kinh doanh, … cho đội ngũ cán bộ công chức và các đối tượng kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho Chi hội du lịch Tuy Phong hoạt động có hiệu quả nhằm liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau về kinh tế - kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, phát triển nghề nghiệp. Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 07-NQ/HU của Huyện ủy (khóa VII) về phát triển du lịch đến năm 2015, ban hành Nghị quyết của Huyện ủy (khóa VIII) về phát triển du lịch đến năm 2020.