Theo cuốn sách “Bình Thạnh truyền thống cách mạng và văn hoá”, Bình Thạnh được tạo lập vào khoảng năm 1692, thời Hậu Lê rối ren, một số cư dân đằng trong, đằng ngoài phải rời bỏ quê hương tìm vùng đất mới. Bốn họ Lê, Nguyễn, Huỳnh, Phạm đến tụ cư nơi đây và đặt tên là “Bình An Thôn”, sau đổi Bình Thạnh với ý nghĩa là bình an và thịnh vượng. Thời Pháp thuộc còn có tên là Laganr.
Các cụ cao niên bảo trời thương bà con quanh năm chăm chỉ làm ăn, nên phú cho mảnh đất này nhiều mạch nước ngầm tươi tốt. Giếng làng có từ thuở khai sinh lập địa của làng, gắn bó với bao sự đổi thay của con người, cảnh vật nơi đây. Giếng có vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của xã Bình Thạnh, khẳng định sự hòa hợp, sinh tồn của người dân với trời đất, thiên nhiên, và là nét văn hóa đặc sắc truyền từ đời này sang đời khác ở Bình Thạnh.
Nằm dưới cồn cát trắng và ôm lấy biển, Bình Thạnh được trời phú cho nguồn nước mát lành. Cả làng cũng gần 100 giếng nước, kể cả giếng gia đình đến giếng chung cả làng, mỗi giếng có tuổi đời hàng trăm năm. Có thể kể tên một số giếng sử dụng cho cộng đồng như Giếng Liệc, Giếng Lũy, Giếng Quán, giếng Truông, Giếng chợ, Giếng Trữ (còn gọi là giếng Chử), Giếng Trữ (còn gọi là giếng Chử)…Đất đai Bình Thạnh phần lớn động cát, vườn rẫy với nhiều đặc sản chanh, chuối, xoài, ..Làm nông nghiệp, nhưng Bình Thạnh lại không có con sông, khe suối nào để cung cấp nguồn nước tưới tiêu. Bù đắp lại, vùng đất này được ưu ái với hệ thống nước ngầm, giếng nước luôn ăm ắp, đầy tràn.
Giếng Quán ở thôn 3 - Bình Thạnh
Tự lâu đời, với hầu hết người dân Bình Thạnh, giếng nước là nguồn sống, tụ thủy tụ phúc của làng. Dân làng cho rằng, giếng làng là chốn thiêng nên rất nghiêm khắc trong việc bảo vệ, giữ gìn giếng. Thời ấy, việc đào giếng rất quan trọng và kỹ lưỡng, chọn đúng đất phong thủy, tinh thông hướng làng, đến thời điểm xây cất, vì nó liên quan đến cuộc sống của cả cộng đồng. Giếng đào bằng những vật dụng thô sơ như cuốc, xẻng, đào sâu đến gặp mạch nước ngầm thì dừng lại. Có giếng hình tròn, có giếng hình vuông, nhưng cách xây thì giống nhau. Đá xây giếng được lấy từ biển, từ núi đưa về, rồi cẩn thận đặt từng viên xây theo vòng, chồng lên từng lớp cao dần từ đáy đến miệng giếng. Thành giếng cao chừng nữa mét, đá xây được gắn kết với chất liệu vôi vữa để có độ rắn chắc vững bền. Nhiều giếng được xây hàng trăm lớp đá. Nhờ lớp đá này mà nước giếng nhanh trong và mát lành hơn. Đến nay, một số giếng như Giếng chợ, giếng Quán vẫn được sử dụng. Hàng ngày, người dân vẫn không quên thong thả dây gàu múc từng gàu nước mát trong, thanh ngọt của giếng đem về gia đình sử dụng. Mỗi chiều, những ngư phủ, trẻ em nhỏ vẫn tìm đến giếng để được đắm chìm trong những giọt nước mát rượi từ lòng đất mẹ.
Trong vô số giếng làng thì Giếng Lũy là giếng nước mang ý nghĩa tâm linh lớn nhất của Bình Thạnh, có tuổi đời hàng trăm năm. Chẳng biết có phải do giếng nằm dưới chân động cát trắng tinh và hàng cây me cổ thụ che chắn cho làng nên mới có tên là giếng Luỹ. Ban đầu giếng cạn lắm, có thể lấy gàu với tay múc nước nên được xây thành bằng đá san hô. Sau này giếng Lũy được xây dựng lại bằng đá núi, tô tráng xi măng theo hình vuông, rộng chừng 4m2, độ sâu khoảng 5-7 m. Thời bấy giờ, giếng Lũy chỉ cách biển không xa nhưng nước đầy ắp, rất ngon ngọt, trong veo quanh năm, được xem là mạch nguồn chính của làng, quyết định đến mùa màng bội thu, sự sinh sôi nảy nở, phát triển của làng. Nước được lấy từ giếng Lũy chính là sản vật dâng lên trời đất, cầu mong mưa thuận, gió hoà để cá tôm đầy thuyền, cây trái sum xuê trĩu quả, xóm làng sung túc. Sau chuyến biển dài ngày hay những buổi làm rẫy vất vả, những trưa hè nóng nực hay những đêm trăng sáng, những buổi chiều êm đềm, nam nữ, trẻ em…đều tìm đến giếng như một người bạn tri kỷ. Tại đây, những câu chuyện làm ăn, sức khỏe được thông tin với nhau, tạo nên sự cố kết cộng đồng. Từ giếng, trai gái gặp gỡ rồi nên duyên, sinh con đẻ cái, và đến lượt con cháu họ cũng gắn bó chặt chẽ với chiếc giếng cổ linh thiêng này.
Giờ đây khi hệ thống nước sạch đã có, chiếc giếng không còn đóng vai trò cung cấp nước uống cho làng như trước. Nhưng với dân làng Bình Thạnh, chiếc giếng vẫn hiện hữu và trở thành di tích của làng. Con cháu của Bình Thạnh dù sống ở bất cứ nơi đâu vẫn đau đáu nhớ về vùng ký ức xưa với giếng nước và thêm yêu, thêm quý từng giọt nước quý báu của mẹ thiên nhiên. Sự trường tồn và mạch nước giếng không bao giờ cạn, giống như người dân Bình Thạnh-cái nôi vùng căn cứ cách mạng xưa vẫn một lòng theo Đảng, chung tay góp sức xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc/.