Thực trạng về tình hình giáo dục
Trong những năm qua, quy mô giáo dục tiếp tục tăng lên, chất lượng giáo dục toàn diện căn bản được giữ vững. Hệ thống trường, lớp được quan tâm đầu tư xây dựng, kiên cố hóa; công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia có nhiều cố gắng. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển mạnh. Phong trào thi đua “Dạy tốt- Học tốt” tiếp tục được các trường học, giáo viên và học sinh tham gia tích cực.
Những kết quả nói trên, trước hết bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của nhân dân trong huyện; sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, của mỗi gia đình và toàn xã hội; sự tận tụy của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sự ổn định về chính trị cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo có mặt chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội; đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc chưa hiệu quả. Cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu dạy học ở một số nơi còn thiếu, xuống cấp. Phong trào thi đua “Dạy tốt- Học tốt” chưa đều khắp.
Một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian đến
Một là, Đổi mới chương trình theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Thực hiện phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, lồng ghép các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu thực nghiệm….Điển hình đó là phương pháp thí nghiệm, thực hành; phương pháp dạy học theo Dự án mô hình trường học Việt Nam mới (VNEN), Chương trình đảm bảo chất lượng trường tiểu học (SEQAP)…
Hai là, coi trọng việc rèn luyện phương pháp tự học của học sinh, nhất là tư duy phân tích, tổng hợp; tạo điều kiện cho học sinh nghĩ nhiều hơn, làm nhiều hơn và thảo luận nhiều hơn theo hướng mỗi học sinh vừa cố gắng tự lực một cách độc lập, vừa hợp tác chặt chẽ với nhau trong quá trình tiếp cận, phát hiện và tìm tòi kiến thức mới; tăng cường các hoạt động ngoại khoá trong và ngoài nhà trường...tạo cho học sinh có những kỹ năng cơ bản, tránh các tệ nạn xã hội và nghiện game,…Tổ chức tốt hơn hoạt động thí nghiệm, thực hành để lớp học trở thành môi trường giao tiếp thầy – trò và trò – trò nhằm vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của từng cá nhân, của tập thể trong giải quyết các vấn đề đặt rap. Thực hiện tốt việc dạy và học ngoại ngữ, tin học theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ba là, Đánh giá đúng chất lượng học tập của học sinh; trong đó kết hợp đánh giá của thầy, tự đánh giá của bản thân học sinh, đánh giá lẫn nhau, đánh giá của phụ huynh và cộng đồng. Coi trọng đánh giá trong cả quá trình và kết hợp kết quả định kì, đánh giá theo hướng kết hợp hai hình thức trắc nghiệm và tự luận. Đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng học “hiểu” và vận dụng vào thực tiễn…đặc biệt là các môn Ngữ văn, lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…
Bốn là, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, kết hợp với cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương -Trách nhiệm”, phong trào "Hai không" với 4 nội dung; "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" gắn kết với việc triển khai "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; cuộc vận động “Mỗi nhà giáo, cán bộ giáo dục giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”....
Nâng dần chất lượng giáo dục vùng ven, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật vật và thực hiện có hiệu quả dạy học 2 buổi/ngày ở các trường đã triển khai; tăng số lượng trường mầm non, tiểu học có điều kiện thuận lợi tổ chức cho học sinh học bán trú.
Năm là, Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên; bố trí giáo viên bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa các môn học, phù hợp với nhu cầu của từng trường học; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác...