Mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp vẫn tiếp tục phát triển theo hướng tích cực; phần lớn các doanh nhân đều có ý thức chấp hành, thực hiện tốt các quy định của pháp luật, đồng thời nỗ lực vượt khó, cố gắng duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện do địa phương tổ chức. Công tác xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị- xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có cố gắng và đạt kết quả bước đầu. Tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước được quan tâm thành lập, xây dựng và duy trì hoạt động, thực hiện vai trò là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Đến tháng 9 năm 2015, trên địa bàn huyện có 246 doanh nghiệp; trong đó có 227 doanh nghiệp đang hoạt động, vốn đăng ký khoảng 761,591 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 2.645 lao động. Trong 3 năm (2012-2015), đã giải ngân trên 2.016 tỷ đồng cho khoảng 214 lượt doanh nghiệp; tính đến tháng 9/2015, tổng dư nợ tại các ngân hàng trên địa bàn huyện gần 450 tỷ đồng/62 doanh nghiệp. Hiện nay, có khoảng 54 doanh nghiệp đang thụ hưởng chương trình vay vốn áp dụng lãi suất ưu đãi 7%/năm tại các chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn huyện. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được các ban, ngành huyện triển khai thực hiện khá tốt, đúng quy định, cơ chế của tỉnh; trong năm 2012, Chi cục Thuế đã thực hiện việc miễn, giảm hơn 230 triệu đồng thuế thu nhập doanh nghiệp cho 51 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Triển khai Quy trình tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đạt được nhiều kết quả tích cực; trong 3 năm (2012-2015), đã ban hành 20 văn bản, tổ chức 8 đợt tập huấn, 11 cuộc đối thoại, 239 lượt hỗ trợ qua điện thoại về triển khai thực hiện các quy định về thuế; 100% doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện việc kê khai thuế qua mạng internet, trong đó, có khoảng 98,9% doanh nghiệp thực hiện thành công việc nộp thuế điện tử, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, tiết kiệm chi phí và thời gian trong việc kê khai, nộp hồ sơ khai thuế.
Ban Thường vụ Huyện ủy xác định một số nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới:
1- Tiếp tục quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Chương trình hành động số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII), Kế hoạch số 96-KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy (khóa VII) và Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 17/4/2013 của Ủy ban nhân dân huyện nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đoàn viên, hội viên, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện trong công tác xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
2- Triển khai thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển trên địa bàn huyện theo chủ trương, quy định của tỉnh, nhất là thủ tục hành chính và cơ hội tiếp cận nguồn vốn. Phối hợp với các ban, ngành chức năng của tỉnh xây dựng, tổ chức kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân gắn với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm của huyện; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nhất là các ngành, nghề mà doanh nhân, doanh nghiệp đang cần.
3- Hàng năm, tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp trên địa bàn huyện nhân ngày Doanh nhân Việt Nam gắn với biểu dương, tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân điển hình tiên tiến trong việc nêu cao tinh thần yêu nước, có ý thức tuân thủ pháp luật, chú trọng xây dựng đạo đức, văn hóa trong kinh doanh và tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động do địa phương phát động, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của địa phương.
4- Quan tâm tổ chức đối thoại, coi trọng cơ chế đối thoại ba bên nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân; chú ý giải quyết những mâu thuẫn phát sinh giữa người lao động và doanh nghiệp, không để xảy tình trạng đình công, biểu tình trái pháp luật.
5- Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trong thực hiện công vụ theo Chỉ thị 27-CT/TU và Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) về “nâng cao trách nhiệm, chấn chỉnh tác phong, giờ giấc làm việc, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh” và “đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sinh hoạt và công tác” nhằm ngăn chặn tình trạng gây phiền hà, khó khăn, nhũng nhiễu đối với doanh nhân, doanh nghiệp.
6- Đẩy mạnh công tác phát triển đảng, xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị- xã hội trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Chú trọng tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho chủ doanh nghiệp và người lao động trong các doanh nghiệp.
7- Quan tâm, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp gắn với tuyên truyền, vận động đội ngũ doanh nhân chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.
8- Đề nghị các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định, pháp luật về sản xuất, kinh doanh; giải quyết đầy đủ quyền và lợi ích của người lao động; coi trọng cơ chế đối thoại ba bên nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh, ổn định và phát triển; quan tâm công tác xây dựng tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị- xã hội trong doanh nghiệp góp phần tích cực vào sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp và nhiệm vụ chính trị của địa phương.