Các phòng, ban, ngành, đoàn thể, địa phương phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Kế hoạch số 191-KH/HU và Kế hoạch số 224-KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy bằng nhiều hình thức phong phú như: tuyên truyền trực quan, phát thanh trên hệ thống đài truyền thanh, đăng tải các tin, bài trên Trang thông tin điện tử và Tờ tin Tuy Phong, các hội thi, hội diễn...; chú trọng tuyên truyền lồng ghép, kết gắn với các chương trình, mục tiêu, các phong trào, các cuộc vận động để nâng cao hiệu quả và sát hợp với thực tiễn theo hướng đưa văn hóa từng bước trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, thành yếu tố tự giác trong hoạt động của mỗi người đến cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức về quan điểm, chủ trương, giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; xác định được thái độ và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và Nhân dân trong huyện; xác định được thái độ và trách nhiệm của mỗi người góp phần đấu tranh ngăn ngừa những quan điểm sai trái, những hành động vi phạm pháp luật trên lĩnh vực văn hóa, tạo sức lan tỏa sâu rộng, chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội.
Thông qua việc học tập và làm theo Bác theo chuyên đề hàng năm; thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức…từng bước hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa, nếp sống văn minh trong hệ thống chính trị; xây dựng quy chế, quy ước, hương ước trong từng cộng đồng làng, thôn, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách. Xây dựng, sử dụng và phát huy các thiết chế văn hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu về hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, hàng năm Ban Thường vụ Huyện uỷ xây dựng kế hoạch đối ngoại, tăng cường chỉ đạo việc giới thiệu, quảng bá về hình ảnh con người, văn hóa Tuy Phong với du khách, bạn bè trong và ngoài huyện. Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, miền núi và miền xuôi; ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội.
Kết quả các hoạt động văn hóa, giáo dục trong việc xây dựng con người luôn đảm bảo hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ. Nhiều hoạt động, chương trình, kế hoạch được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương như: các hoạt động thông tin, tuyên truyền cổ động phục vụ các ngày lễ, kỷ niệm trọng đại của đất nước, của địa phương; công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa được thực hiện nghiêm túc, gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tiếp tục xây dựng và phát phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người"; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn ở địa phương.
Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng dạy và học ở các bậc học được nâng lên, tỷ lệ học sinh đạt thành tích khá, giỏi qua từng năm học đều tăng. Ngoài giáo dục tri thức, kiến thức còn chú trọng nâng cao giáo dục nhân cách con người, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho các em học sinh.
Bên cạnh việc phát triển văn hóa, nhân cách con người; các hoạt động về phát triển thể chất, rèn luyện sức khỏe được quan tâm, coi trọng. Triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, hàng năm duy trì việc tổ chức các giải truyền thống việt dã “Leo núi Linh Sơn Tự”, “Vượt đồi cát Bình Thạnh”, bóng đá 5 người… đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng trên địa bàn huyện, số lượt người tham gia tập luyện thể dục thể thao tăng hàng năm. 100% các xã, thị trấn đều tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, đặc biệt trong dịp tổ chức lễ hội của địa phương, tập trung vào các môn: bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, cờ tướng, chạy việt dã, chèo thuyền… Đối với các đơn vị trường học việc giáo dục thể chất luôn được chú trọng, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, góp phần nâng cao sức khỏe cho học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ và thể chất.
Công tác đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch và các hành vi tiêu cực được Ban Thường vụ Huyện uỷ và cấp uỷ cơ sở chú trọng triển khai thường xuyên; tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đấu tranh, ngăn chặn, phản bác các thông tin xấu, độc trên các trang mạng xã hội,… qua đó tạo sức lan tỏa những thông tin tích cực, lấn áp thông tin tiệu cực, xấy độc trên môi trường không gian mạng.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh: 100% các cơ quan, đơn vị đều đưa nội dung ứng xử văn hóa trong thực thi công vụ, phục vụ Nhân dân vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; 100% các đơn vị trường học đều xây dựng môi trường học tập xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện, học sinh tích cực; 100% các thôn, khu phố đều có quy định cụ thể trong bản quy ước, hương ước về trách nhiệm của mỗi gia đình, công dân đối với việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, Pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh còn được cụ thể hóa trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; phong trào thi đua học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; phòng, chống các tệ nạn xã hội; phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo... luôn được các cơ quan, ban ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện cả chiều rộng lẫn chiều sâu tạo sức lôi cuốn đến toàn thể các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn thể Nhân dân tham gia thực hiện và đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt là kết quả của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, kết quả tăng dần theo từng năm.
Trong năm 10 qua, ngành văn hoá và thông tin đã tổ chức tốt nhiều phong trào văn hóa văn nghệ trên địa bàn huyện như: tổ chức Hội diễn nghệ thuật không chuyên, Hội thi kiến thức gia đình, Hội thi Tiếng hát Bolero, Hội thi giọng ca vàng, Hội thi tiếng hát Karaoke, Hội thi Tiếng hát Tuy Phong, Cuộc thi ảnh Nét đẹp bãi rêu, Cuộc thi ảnh Nét đẹp Tuy Phong; ngoài ra, còn phối hợp các ban ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động như: phối hợp với Phụ nữ tổ chức Hội thi Phụ nữ với công tác xây dựng gia đình văn hóa; phối hợp Phòng Tư pháp tổ chức Hội thi “Hòa giải viên giỏi”; phối hợp Công an huyện tổ chức Hội thi văn nghệ “Toàn dân phòng chống ma tuý”; phối hợp Hội Nông dân huyện tổ chức Hội thi Văn hóa - Thể thao Nông dân; phối hợp Liên đoàn Lao động tổ chức Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về an toàn giao thông” và Hội diễn Nghệ thuật không chuyên cán bộ, công nhân viên chức, lao động... đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo khí thế sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, đáp ứng kịp thời nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân. Ngoài ra, còn thực hiện tốt việc đưa các hoạt động văn hóa, thể theo về cơ sở, ưu tiên những vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bãi ngang ven biển, tạo được nhiều sân chơi lành mạnh cho người dân, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân.
Công tác tác bảo tồn, và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch trên địa bàn huyện được tổ chức thực hiện đạt những kết quả bước đầu. Trong 10 năm qua, đã đề xuất trùng tu Tháp Pô Dam, xã Phú Lạc; đề nghị công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với Đền thờ Pô Nưng Rúp, xã Phong Phú; Đình làng Lâm Lộc, xã Hòa Minh; Chùa Phú Sơn, xã Phú Lạc; Di tích lịch sử Cát Bay, xã Bình Thạnh; Di tích thắng cảnh bãi đá Cà Dược, xã Bình Thạnh; Di tích thắng cảnh Hòn Cau, xã Phước Thể; Di tích lịch sử văn hoá Nhà tưởng niệm đồng chí tổng Bí thư Lê Duẩn, xã Bình Thạnh. Tính đến nay, toàn huyện có 04 di tích được công nhận cấp Quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh (so với năm 2014 tăng 07 di tích cấp tỉnh). Các lễ hội truyền thống được quan tâm phục dựng và tổ chức đúng theo quy định, nhất là phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tốt Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch (hàng năm) tại Đền thờ Hùng Vương (thị trấn Phan Rí Cửa); các nhạc cụ truyền thống được gìn giữ và phát huy hiệu quả trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số như trống Ginăng, Paranưng, kèn Saranai của dân tộc Chăm, Mãla của dân tộc Rắclây được tổ chức trong dịp lễ, tết của đồng bào dân tộc thiểu số.
Quan tâm, tạo điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ; kết quả hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật; việc tổ chức các cuộc vận động sáng tác, các hội thi. Trong 10 năm qua, hội viên Chi hội văn học, nghệ thuật Tuy Phong sáng tác nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết; tham gia các cuộc thi viết, nhiếp ảnh trong nước và quốc tế đạt nhiều giải thưởng cao. Hàng năm duy trì xuất bản Tập san văn nghệ Tuy Phong nhân dịp năm mới, tập trung vào những đề tài ca ngợi về quê hương và con người Tuy Phong trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường; phát hiện và tuyên dương những nhân tố mới tạo ra của cải cho xã hội, giới thiệu những nét đặc sắc về đời sống văn hóa của các dân tộc trong huyện nhà.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đạt các mục tiêu đề ra. Cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ được xác định tại Kế hoạch số 191-KH/HU và Kế hoạch số 224-KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh của huyện; xây dựng con người Tuy Phong có tinh thần yêu quê hương, đất nước, có lối sống lành mạnh, tích cực lao động và sáng tạo, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội nhằm đạt mục tiêu xây dựng con người ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ; công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá văn hoá vật thể và phi vật thể được quan tâm hơn; quan tâm xây dựng, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân trên địa bàn huyện./.