Trở lại xã Phú Lạc, Tuy Phong sau một thời gian địa phương này được triển khai các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ. Ông Thường Ngọc Tá, 55 tuổi, thôn Lạc Trị cho hay, sau khi hoàn thành khóa học trồng thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 5 sào thanh long. Chỉ cho chúng tôi những trụ thanh long đang kỳ sung sức, ông Tá bảo nhờ học cách áp dụng kỹ thuật chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nên vườn thanh long như được khoác một tấm áo mới, lúc nào cũng tươi xanh, hứa hẹn bội thu.
Ảnh: Hướng dẫn thực tế trồng cây thanh long
Dạo trên vùng đất khu vực Cây Khế (Phú Lạc), nơi được xem là "lãnh địa" cây thanh long ở Tuy Phong, chúng tôi thật sự ấn tượng với vườn thanh long bạt ngàn, trĩu quả. Hỏi ra mới biết đó là kết quả thực sự của các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Chị Bích Thị Thanh Thuý, sinh năm 1971 cho biết, học xong tuy chưa có vốn đầu tư, nhưng được “vốn kiến thức”, chị đã trở thành “chuyên gia” thực thụ cho các nhà vườn. Thu nhập từ đó ổn định và khấm khá hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Duy Thành-Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lạc cho biết: Lâu nay người ta vẫn có thói quen phụ thuộc vào số liệu để đánh giá hiệu quả một chương trình, một đề án. Nhưng có những cái “được”, rất lớn không thể cân đo đong đếm, không thể đánh giá được bằng tiền, đó là kiến thức, là kinh nghiệm mà người dân thu thập được qua những lớp học nghề. Chính từ các lớp đào tạo nghề đã góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn, giúp bà con thay đổi tập quán canh tác truyền thống, tiếp cận phương thức sản xuất mới, ngành nghề mới, từ đó nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm mới.
Phú Lạc là xã thuần nông, từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), nhu cầu được học và nâng cao tay nghề của người dân rất lớn. Thực tế xây dựng NTM cho thấy, trong số 19 tiêu chí thì tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân là "cửa ải" khó nhất. Điều đáng mừng là "đầu ra" cho các lớp học nghề đã được giải quyết cơ bản, hầu hết học viên qua đào tạo nghề nông nghiệp đã vận dụng, triển khai các kỹ thuật, cũng như mô hình mới vào thực tiễn sản xuất, góp phần tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Nhiều vùng đất đã được chuyển đổi cây trồng, tăng hiệu quả sử dụng, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân.
Lội trên những vườn thanh long xanh bạt ngàn, trĩu quả. Chúng tôi thấy ấm lòng với những kết quả có được sau bao vất vả, cực nhọc của người dân cũng như hiệu quả thiết thực mà chương trình đào tạo nghề nông thôn mang lại./.
Kỹ sư Phạm Công Luân, Phó Ban Thông tin phổ biến kiến thức KHCN của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Thuận, người đã trực tiếp giảng dạy 12 lớp dạy nghề trồng thanh long, bảo vệ thực vật cho hơn 360 nông dân của xã Phú Lạc chia sẽ: “Dạy nghề cho nông dân không đơn thuần là dạy kỹ thuật mà còn dạy cách quản lý kinh tế nông nghiệp. Nếu trước kia người nông dân làm nông nghiệp theo kiểu tự cấp, tự túc thì nay qua học tập, họ biết cách làm nông nghiệp quy mô lớn theo hướng hàng hoá, cách bảo quan, chế biến nông sản của mình". |
Minh Chiến.