Vượt qua những động cát trắng rát bỏng, lưa thưa các loài cây hoang dại, chúng tôi đến được Rẫy Gộp (thị trấn Liên Hương), nơi được xem là “thủ phủ” của cây củ cải trắng. Ở đây, cái nắng chói chang của mùa hạ "ẩn nấp" đâu đó, nhường chỗ cho màu xanh ngập tràn trên vùng cát trắng mênh mông. Những vườn cải xoè lá xanh tươi, lúc nhúc củ trắng nuốt nhô trên mặt đất. Thương lái lui tới đặt tiền mua, người nông dân hồ hỡi, vui mừng bội thu mùa cải...
Gặp chúng tôi, lão nông Sáu Chương khoe “Nhờ cây củ cải mà mấy năm nay nông dân chúng tôi có của ăn của để”. Dẫn tôi dạo trên những vùng cải xanh tươi, ông Sáu Chương bảo nơi này trước đây toàn là những động cát trắng khổng lồ ven biển nằm giữa địa bàn thị trấn Liên Hương và xã Bình Thạnh. Mùa nắng, vùng này như chảo lửa, rát bỏng, phòng rộp bàn chân người. Sau giải phóng, nhà nước đã triển khai chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống, nhưng một số loài cây keo lá tràm, xoan, bạch đàn được xem là chịu nắng, chịu hạn...cũng sống lay lắt trước cái nắng, gió đầy khắc nghiệt. Tuy đất đai rộng rãi, nhưng trồng cây gì cũng èo uột, chỉ “trụ” được vào mùa mưa. Nông dân mệt mỏi đánh vật với rẫy vườn, có người phải tìm kế khác sinh nhai.
Thế nhưng, đó là chuyện ngày xưa, giờ thiên nhiên đã quy phục bàn tay con người. Không chịu cảnh thiếu ăn ngay trên mãnh đất của mình, nhiều người lặn lội khắp các vùng cây trái nổi tiếng trong cả nước đưa về nhiều giống cây trồng mới, đồng thời chuyển đổi các giống cây trồng bản địa...Như để bù lại sự vất vả của người nông dân, cây củ cải trắng vươn lên mơn mởn màu xanh. Là loại cây trồng lấy củ, chiều cao khoảng một giang tay, nhưng cây củ cải lại có sức chịu đựng dẻo dai trước nắng, gió khắc nghiệt. Ngày cây củ cải “kết duyên” với vùng đất cát, có nơi tiêu thụ ổn định, hàng trăm nông dân vui mừng như bắt được vàng. Nhiều người đã quay trở lại với rẫy vườn, bằng nhiều nguồn vốn, họ đã tập trung cải tạo những vùng đất cát mênh mong trắng xoá thành những vườn cải xanh tươi ngút ngàn. Tính đến thời điểm này, khu vực Rẫy gộp, rẫy ròng, rẫy sầm...ở địa bàn xã Bình Thạnh, Liên Hương là những vựa củ cải trắng lớn nhất của Tuy Phong.
Chỉ đám củ cải đang xanh tốt đang kỳ thu hoạch, ông Sáu Chương mừng ra mặt: "Thương lái, họ mua nguyên đám, chứ không cân ký tá như trước kia. 3,5 sào cải này, tôi bán trọn 40 triệu đồng. Trừ tiền giống, phân bón, thuốc, xăng dầu để bơm nước tưới, ...tui còn lời 25 triệu đồng”. Theo ông Sáu Chương, so với cây nho, thanh long...thì cây củ cải thu nhập không bằng, nhưng lợi thế của nó là sống tốt trên vùng cát. Mỗi năm có thể trồng từ 4-5 vụ, mỗi vụ cải kéo dài 40 - 45 ngày, năng suất khoảng từ 2-2,5 tấn/sào/vụ. Cây củ cải ít bị sâu bệnh, trồng và chăm sóc đơn giản.
Chị Lê Thị Hiếu, 45 tuổi cho biết, những ngày đầu gieo cây cải xuống đất cát khổ trăm bề. Không có nhiều tiền, vợ chồng chị mua phân bón ở mức cầm chừng cộng với đất cát bạt màu nên cây cải kém phát triển. Đã vậy, lại thiếu nước tưới gặp trời nắng nóng nên cây củ cải “ngẻo” đọt, lá úa vàng, héo rũ. Khắc phục khó khăn này, vợ chồng chị dùng phân chuồng cải tạo trên 6 sào đất, đồng thời đào ao, tích trữ nước để tưới. Nhờ cần cù, chịu khó nên đất cũng chẳng phụ công người. Những vườn cải vươn lên xanh tốt, bán lứa cải đầu tiên, cầm những đồng tiền từ chính mô hôi, công sức của mình, vợ chồng chị nghẹn ngào trong nước mắt. Thế rồi, những vụ cải sau, số tiền lời thu được tăng lên...Cảnh thiếu thốn, chạy ăn từng bữa không còn nữa, từ căn nhà tuềnh toàng chị xây được ngôi nhà khang trang, sắm sửa tiện nghi, dành tiền chu cấp cho 3 đứa con ăn học. “Cây củ cải trắng giúp gia đình tôi thoát khỏi nghèo”- Chị Hiếu tâm sự.
Dạo trên vùng cây củ cải trắng Liên Hương, Bình Thạnh, chứng kiến cảnh nông dân phấn khởi, tất bật thu hoạch mà thấy vui lây. Biết cây củ cải thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, dễ chăm sóc, chi phí thấp lại cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều nông dân đã quyết định cải tạo hàng chục ha đất cát để trồng cây củ cải trắng. Năm nay, ngần ấy diện tích, nhiều hộ nông dân rất vui mừng trước khoản tiền lớn thu được. Những hộ sống chật vật trước kia giờ trở nên no ấm, gắn bó hơn với mãnh đất của mình. Gặp gỡ nông dân mới biết, cây củ cải không chỉ đem lại cái lợi mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, không để lãng phí đất đai. Tùy vào thỏa thuận, nhân công có thể lãnh trọn gói từ khâu cắt lá, nhổ củ cải và vận chuyển đến điểm theo đúng yêu cầu, hoặc lãnh công theo từng công đoạn, 1 lao động có mức thu nhập từ 120.000 đến 200.000 đồng 1 ngày.
Theo một số tiểu thương thu mua cải, mấy năm nay giá củ cải cao, ổn định. Ngoài nguyên nhân củ cải ở vùng đất cát này có chất lượng tốt thì thị trường tiêu thụ, nhất là ở tp. Hồ Chí Minh tăng mạnh nên nhiều nông dân trúng đậm. Bà Nguyễn Thị Nga, một thương lái thu mua củ cải cho biết “Mỗi vụ cải, tôi mua cả gần trăm tấn. Mua đâu, thanh toán tiền xong đến đó cho nông dân”.
Cây củ cải trắng thật sự đổi đời người nông dân. Chia sẻ niềm vui với những người “một nắng hai sương”, tôi nhớ hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
Củ cải trắng có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Theo Y học cổ truyền, củ cải trắng tươi sống có vị cay, tính mát có tác dụng lợi tiểu, long đờm, tiêu viêm, chữa khản tiếng. Củ cải nấu chín vị ngọt, tính bình, quy kinh phế và vị. Củ cải trắng không chỉ là một thực phẩm khá phổ biến mà còn được ví như “Nhân sâm bình dân”, có tác dụng thúc đẩy các acid béo trao đổi chất nhiều hơn, tiêu hao nhiều mỡ hơn; là một trong những nguyên liệu làm đẹp cho phụ nữ…Những nghiên cứu khoa học phát hiện thấy hạt củ cải có tác dụng hạ huyết áp, nước ép củ cải còn có tác dụng giảm huyết áp nhẹ. |
MINH CHIẾN