Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển giao thông nông thôn được triển khai đồng bộ trong cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và trong cán bộ, đảng viên, nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng với phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã đầu tư phát triển 40,2 km đường giao thông các loại với tổng kinh phí đầu tư thực hiện là 103,89 tỷ đồng. Trong đó thực hiện theo Đề án phát triển giao thông nông thôn của Tỉnh được 87 tuyến/10,07 km đường với tổng kinh phí thực hiện 8,092 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ là 4,052 tỷ đồng; ngân sách huyện 1,22 tỷ đồng và huy động đóng góp nhân dân 2,82 tỷ đồng) và từ các nguồn vốn lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu đầu tư vào đường giao thông nông thôn các xã, các vùng khó khăn của huyện được 30,13 km đường (17,70km đường bê tông nhựa và láng nhựa, 7,83 km đường bê tông xi măng và 4,60 km đường cấp phối) với tổng kinh phí thực hiện là 95,825 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 12,070 tỷ đồng, ngân sách tỉnh, huyện: 83,755 tỷ đồng). Việc huy động sức dân làm giao thông nông thôn được triển khai chặt chẽ với nhiều các làm hay, hiệu quả; đáng chú ý là Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tự tổ chức thực hiện từ khâu mua vật liệu, thuê nhân công, thiết bị máy móc để tổ chức thi công công trình, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ phần kỹ thuật và thủ tục thanh quyết toán khối lượng công trình; từ đó tạo được sự tin tưởng của nhân dân và đề cao được chủ thể thật sự là nhân dân trong việc phát triển giao thông nông thôn.
Việc xem xét miễn, giảm đối với các đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, neo đơn không có khả năng đóng góp và mức miễn, giảm cho từng đối tượng được chính quyền địa phương cơ sở quan tâm, tổ chức họp dân trong từng thôn, khu phố, xóm và do tập thể nhân dân bàn bạc thống nhất, quyết định và được niêm yết công khai tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, trụ sở thôn, khu phố địa bàn dân cư theo quy định tại Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH ngày 30/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Vai trò lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển giao thông nông thôn được tăng cường. Định kỳ hàng quý, đồng chí Bí thư Huyện ủy tổ chức họp giao ban các đồng chí Bí thư cấp ủy các xã, thị trấn để nghe và cho ý kiến về tình hình, tiến độ triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn huyện; trên cơ sở đó, có kết luận chỉ đạo cụ thể một số việc cần tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tiếp theo nhằm đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hàng năm, trong các tiêu chí để đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội, đều có đánh giá tiêu chí về kết quả thực hiện phong trào làm giao thông nông thôn
Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban Hội đồng nhân dân huyện thường xuyên giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân về đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn huyện.
Ủy ban nhân dân huyện tăng cường công tác quản lý Nhà nước; ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng giao thông nông thôn, giao chỉ tiêu đến các xã; chỉ đạo các ban, ngành thường xuyên phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ cấp ủy, Ủy ban nhân dân các địa phương từ khâu lập khối lượng công trình, ký kết hợp đồng xây dựng; quan tâm cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước hàng năm để bố trí đủ vốn, kịp thời cho các địa phương triển khai xây dựng giao thông nông thôn, hướng dẫn thanh quyết toán công trình theo đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thi công, chất lượng công trình; quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí, không xảy ra thất thoát, tiêu cực trong thu chi; đồng thời, tham mưu, đề xuất kịp thời với cấp trên nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đẩy nhanh thi công công trình các tuyến đường giao thông nông thôn đạt tiến độ đề ra. Định kỳ 6 tháng, 1 năm, Ủy ban nhân dân huyện có tổ chức sơ kết, tổng kết công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh, của huyện về phát triển giao thông nông thôn; qua đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng nhằm động viên, khích lệ tinh thần những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua làm đường giao thông.
Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn huyện tăng cường đi cơ sở để kiểm tra, đôn đốc các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường giao thông nông thôn theo kế hoạch đã đề ra. Hàng quý, tổ chức họp đánh giá tình hình, kết quả thực hiện và kịp thời tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Cấp ủy các xã, thị trấn có ban hành các Nghị quyết để lãnh đạo thực hiện; chỉ đạo Bí thư các chi bộ thôn, khu phố tổ chức quán triệt các nghị quyết của huyện, xã, thị trấn về phát triển giao thông nông thôn trong cán bộ, đảng viên, nhân dân ở thôn, khu phố mình, nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị; thành lập các Tổ thu quỹ, Ban giám sát và xây dựng nghị quyết, kế hoạch triển khai thực hiện; chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và phát triển giao thông nông thôn; xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể huyện tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành huyện, cấp ủy, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới” gắn với phát triển giao thông nông thôn trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí để xây dựng giao thông nông thôn.
Nhìn chung, qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XII) về đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015, phong trào phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, được đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tích cực tham gia thực hiện, góp phần làm thay đổi diện mạo của nông thôn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại và sản xuất của nhân dân góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển. Nổi rõ là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và phối hợp thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể có tập trung; kịp thời củng cố, kiện toàn các Ban chỉ đạo, Ban quản lý công trình, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, phân công nhiệm vụ từng thành viên bám sát địa bàn để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển giao thông nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Công tác tuyên truyền, vận động các nguồn lực trong xã hội được đẩy mạnh; dân chủ trong nhân dân được mở rộng và phát huy, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia bàn bạc, giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, huy động sức dân làm giao thông nông thôn. Phong trào phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn huyện được triển khai ở các xã đạt yêu cầu kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh giao trong năm 2012; phát huy nội lực và thu hút các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội để tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, làm đổi mới dần bộ mặt nông thôn và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện.
Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn đó là nguồn phân bổ kinh phí hỗ trợ của tỉnh còn thấp, trong năm 2012 hỗ trợ cho huyện Tuy Phong chỉ được 1,155 tỷ đồng, vì vậy, năm 2012 huyện không đủ nguồn vốn phân bổ từ tỉnh để triển khai thực hiện theo mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết của Huyện ủy và Hội đồng nhân dân huyện đề ra.
Với yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XII) về đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015; tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, phấn đấu đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra theo Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 10/10/2011 của Huyện ủy; hoàn thành tiêu chí về giao thông góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở 2 xã điểm nông thôn mới (Vĩnh Hảo, Chí Công) trong năm 2013 và các xã đến 2015, huyện Tuy Phong xác định một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, đó là tiếp tục làm công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của mọi người dân về vị trí, tầm quan trọng của giao thông nông thôn; tiếp tục phát động sâu rộng trong toàn dân, cả hệ thống chính trị, các đoàn thể và các tổ chức, cá nhân trong xã hội đồng tình ủng hộ, đầu tư xây dựng đường giao thông, góp phần thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới./.
MINH CHIẾN