Sự trở lại
Chúng tôi đến xã Phước Thể-nơi được xem là “thủ phủ” cây Nho của Tuy Phong. Ở đây, dường như cái nắng gay gắt của mùa hạ "ẩn nấp" đâu đó, nhường chỗ cho những vạt nho xanh mướt trải rộng, đung đưa quả.
Đến vườn nho sát chân cầu Đại Hòa của ông Võ Lẽ - Tổ trưởng Tổ sản xuất cây nho ở xã Phước Thể, chúng tôi được ông cho biết, vào thời điểm mà nghề trồng nho phát đạt thì người người đổ xô mua đất. Cây lúa phải nhường chỗ cho cây nho. Diện tích nho của toàn huyện vào lúc đó gần 150 ha. Nhưng rồi, phần lớn cánh đồng nho Tuy Phong bị sâu bệnh, năng suất thấp, trong khi năng suất đầu tư lại lớn, nên nhiều người bị thua lỗ. Diện tích nho vì thế hẹp dần lại.
Giờ đây cây nho trở lại với vùng đất này nhờ phương pháp canh tác mới và phòng trừ dịch bệnh hiệu quả. Toàn xã có 70 hộ trồng nho. Riêng Tổ sản xuất cây nho tại xã Phước Thể có 10 hộ tham gia với 44.000m2, đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 70 lao động, trong đó có ông Võ Lẽ với 9 sào nho. Là người gắn bó với cây nho hơn 20 năm, ông cho rằng: “Cây nho chẳng phụ công người, dù có những lúc “thăng”, lúc “trầm”. Trồng nho không hẳn là một nghề nặng nhọc, nếu chịu khó tìm tòi, học hỏi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, hiệu quả kinh tế mang lại từ cây nho rất cao.
Vị ngọt
Hiện nay Tuy Phong đang trồng phổ biến giống nho đỏ Việt Nam được xem là thích hợp với Tuy Phong. Mỗi vụ nho kéo dài 3 - 4 tháng, sản lượng 30 tấn/ha, giá dao động từ 15.000 -20.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi trên 200 triệu đồng/ha. Người trồng nho áp dụng quy trình trồng nho sạch (VietGap). Các hộ dân cam kết không sử dụng thuốc vi sinh, các khâu thu hoạch, phân loại, vận chuyển đi thụ đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Và để có những chùm nho tuyệt đẹp, trái đều viên mãn, nông dân phải cần mẫn chăm chút từng ly từng tý. Ngày nho vừa mới nhú bông, sáng sớm tinh mơ bà con đã ra vườn tưới phun sương để cho trăm ngàn bông đều khai nụ, đậu trái. Đến khi chùm nho đang thì phát triển, họ lại dùng kéo tỉa bớt những trái cọt, trái hư, vì thế vào mùa thu hoạch trăm trái căng đều như một.
Ông Huỳnh Nhứt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Đến nay, tổng diện tích nho của huyện là 134 ha, tăng 80 ha so với năm 2013. Nho phát triển mạnh nhất là ở xã Phước Thể, Phong Phú.
Bằng kinh nghiệm trực tiếp của người sản xuất cây nho, ông Võ Lẽ chia sẻ: “Để nho có chỗ đứng chắc chắn trên thị trường, theo tôi cần phải có vai trò định hướng của nhà nước, sự tham gia của doanh nghiệp ngay từ đầu, qua đó thay đổi trong cách tổ chức sản xuất, trong cách đưa sản phẩm ra thị trường, mà quan trọng là ở khâu quảng bá, giới thiệu và có địa điểm bán sản phẩm nho”.
Ai cũng biết, chính khí hậu khô hạn và lượng mưa trung bình hằng năm thấp của Tuy Phong đã tạo thuận lợi cho cây nho phát triển. Nông dân Tuy Phong đang tìm lại vị ngọt của nho ngày nào.