Theo Báo cáo: Dân số toàn huyện có 35.337 hộ, với 150.117 nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số có 1.964 hộ, với 7.862 nhân khẩu, chiếm 5,24% dân số toàn huyện. Hiện có 10 dân tộc đang sinh sống trong huyện, trong đó: Dân tộc Kinh có 142.255 người, chiếm 94,76% dân số toàn huyện. Trong 15 năm qua, các cấp ủy, chính quyền, các ngành trong huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc đạt nhiều kết quả tích cực. Ủy ban nhân dân huyện quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương, của tỉnh về công tác dân tộc; hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế- xã hội; trong đó diện tích đất lúa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 561 ha, chiếm 25,5% diện tích trồng lúa toàn huyện, canh tác từ 2- 3 vụ/năm, năng suất bình quân đạt 6 tạ trở lên/ha/vụ, sản lượng bình quân đạt 3.366 tấn/vụ, chiếm 1/3 sản lượng lúa toàn huyện. Cây trồng chủ yếu khác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 24 ha: Cây nho 1,5 ha, cây thanh long 12,5 ha, rau các loại 10 ha. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn các vùng dân tộc thiểu số tính đến nay đã có: Bò 5.543 con, dê có 2.807 con, heo có 283 con, gà có 12.500 con. Đến nay, có 4/4 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Phan Dũng, Phong Phú, Phú Lạc, Vĩnh Hảo) đều có đường ô tô thông suốt đến trung tâm xã và được cứng hóa; hệ thống kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa, đạt yêu cầu cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất; tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia 99,25%; có bưu điện văn hóa xã, được phủ sóng truyền hình và viễn thông; hệ thống nước sinh hoạt hợp vệ sinh với tỷ lệ hộ sử dụng 98,31%. Cơ sở vật chất tiếp tục được quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa ở tất cả các cấp học, các trường, lớp, phòng chức năng, trang thiết bị dạy và học đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng; đã đầu tư 31 công trình, với tổng số vốn 51.362 triệu, chất lượng dạy và học được nâng lên. Đến nay tất cả các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều đã có trường mẫu giáo, trường tiểu học và trường trung học cơ sở. Công tác chăm sóc sức khỏe; đầu tư cơ sở, trang thiết bị khám, chữa bệnh; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y, bác sỹ vùng dân tộc và miền núi được quan tâm; mạng lưới y tế cơ sở được tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên môn, chất lượng cung cấp dịch vụ ngày càng nâng cao. ình hình quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được giữ vững và ổn định, không xảy ra tình hình xung đột, mâu thuẩn giữa các dân tộc; không có hiện tượng truyền đạo trái phép, các mâu thuẫn xảy ra trong nội bộ các tôn giáo đều được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp quan tâm phối hợp với các vị chức sắc giải quyết cơ bản ổn định. Nhân dân chấp hành tốt và ngày càng tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác củng cố, xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua tiếp tục được quan tâm thực hiện. Bộ mặt nông thôn xã đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục chuyển biến khá rõ nét.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Siêng-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy nhấn mạnh: trong 15 năm qua, các cấp ủy, chính quyền đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc, tập trung lãnh đạo, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ổn định quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; nhờ đó, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, một bộ phận được nâng cao. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đề nghị trong thời gian đến, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, giải pháp theo Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển dân sinh, sinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới; nắm bắt tâm trạng, tư tưởng, giải quyết tốt các vấn đề nổi lên, giữ vững ổn định an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội./.