Các xã, thị trấn đều xây dựng Nghị quyết của cấp uỷ, của HĐND, UBND thành lập Ban Chỉ đạo Công tác Dân số – KHHGĐ; gắn công tác dân số KHHGĐ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời bố trí cán bộ chuyên trách Dân số có năng lực, uy tín và khả năng tuyên truyền, vận động quần chúng; xây dựng mạng lưới cộng tác viên dân số phủ kín địa bàn; quan tâm phân bổ kinh phí địa phương để hỗ trợ cho các hoạt động về dân số - KHHGĐ như các đợt chiến dịch truyền thông cao điểm, trọng điểm trong năm, hỗ trợ bằng tiền và vật chất cho cộng tác viên và đối tượng thực hiện các biện pháp đình sản, đặt vòng tránh thai. Đặc biệt, một số cấp ủy địa phương phân công đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy trực tiếp chỉ đạo. Các tổ chức đoàn thể đặc biệt vai trò của Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ trong việc tăng cường phối hợp tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên, cán bộ công chức, viên chức gương mẫu thực hiện, nhất là hình thành các Câu lạc bộ tiền hôn nhân, phụ nữ không sinh con thứ 3, mô hình địa bàn thôn, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên. Nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung quy định về dân số - KHHGĐ vào bình xét thi đua để biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân, cặp vợ chồng thực hiện tốt công tác dân số trong năm; nghiêm túc xử lý các trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ sinh con thứ 3 trở lên.
Công tác truyền thông dân số - KHHGĐ được duy trì thường xuyên tại địa phương bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đi đôi hình thức tuyên truyền trực quan Panô, áp phích, cổ động, các ngành thông tin truyền thông còn chú trọng đến việc tăng thời lượng, nội dung tuyên truyền trên kênh truyền hình, nhất là nhiều mô hình, cách làm hay ở cơ sở.
Trung tâm dân số đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền cho nhân dân hiểu về Pháp lệnh Dân số, nhất là về các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; chỉ đạo Ban Dân số - KHHGĐ xã, thị trấn tăng cường công tác vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách Dân số - KHHGĐ; tư vấn, cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc bà mẹ mang thai an toàn… nhất là truyền thông, vận động các đối tượng trong diện thực hiện KHHGĐ.Tăng cường tuyên truyền bề nổi: lắp đặt mới nhiều pano, áp phích; cấp phát tờ rơi, tờ bướm, sử dụng xe tuyên truyền lưu động đến những vùng sâu, vùng xa; tổ chức Hội thi tuyên truyền viên giỏi tìm hiểu về dân số - KHHGĐ; xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ nhằm thu hút, tập trung nhiều đối tượng đến tham gia sinh hoạt, tìm hiểu để nâng cao nhận thức về dân số - KHHGĐ.
Xây dựng và đẩy mạnh hoạt động các mô hình: “thôn, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên” từ 03 Câu lạc bộ (1999), đến năm 2001 có 06 thôn, khu phố đăng ký, hiện nay tăng lên 61 thôn, khu phố. Mô hình “Đưa chính sách Dân số - KHHGĐ vào quy ước, hương ước thôn, khu phố văn hóa” được thị trấn Phan Rí Cửa triển khai khá tốt. Năm 2005 có 05 khu phố đăng ký, đến 2007 đã có 17/17 khu phố triển khai. Mô hình “Kiểm tra sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân” được triển khai năm 2009 tại 03 địa phương (Phan Rí Cửa, Liên Hương và Phong Phú), mỗi xã, thị trấn thành lập 5 Câu lạc bộ, tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền, tư vấn 66 buổi có 3.820 lượt người tham gia.
Thông qua Đề án “Tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”, huyện đã tập trung triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên; khuyến khích nam nữ thanh niên kết hôn ở độ tuổi thích hợp; tổ chức tư vấn, kiểm tra sức khỏe, chú ý đến các yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến việc mang thai cho đối tượng tiền hôn nhân và phụ nữ mang thai; tuyên truyền vận động tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm giúp gia đình và xã hội có những đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh, giảm tỷ lệ người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, từng bước nâng cao tuổi thọ, tạo việc làm, giảm nghèo góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Bên cạnh thành quả đạt được, công tác dân số của huyện ta vẫn còn nhiều thách thức, đó là:
- Về quy mô dân số: Mức sinh của huyện tuy có giảm nhưng chưa vững chắc; năm 2008 và 2012 mức sinh đã tăng trở lại. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Vẫn còn trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số. Dân số cơ học có xu hướng tăng do dân nhập cư...
- Về cơ cấu, chất lượng dân số: Tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng tăng; tình trạng nạo phá thai nhất là phá thai ngoài hôn nhân vẫn còn cao, tình trạng tảo hôn vẫn còn ở một số nơi; tỷ lệ suy dinh dưỡng về cân nặng ở trẻ em dưới 5 tuổi đạt chỉ tiêu giao nhưng ở thể thấp còi tuy đã giảm đáng kể nhưng không đồng đều ở khu vực thành thị và nông thôn.
- Nội dung và hình thức truyền thông Dân số cũng còn hạn chế, chưa có sự đổi mới; nhận thức của người dân tuy có nâng cao nhưng vẫn còn một bộ phận muốn sinh nhiều con; đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở còn yếu về kỹ năng và nghiệp vụ truyền thông.
Để việc thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị về“tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chính sách Dân số và kế hoạch hóa gia đình” thời gian tới đạt nhiều kết quả đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Trước mắt đề nghị các cấp có thẩm quyền duy trì đảm bảo ngân sách Chương trình mục tiêu quốc gia dân số- KHHGĐ để có nguồn lực nhằm cung cấp đủ phương tiện tránh thai theo nhu cầu của người dân, triển khai các hoạt động của công tác dân số- KHHGĐ nhằm duy trì mức sinh thay thế đã đạt được; triển khai các hoạt động truyền thông; triển khai mở rộng các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, trong đó, tập trung vào hoạt động sàng lọc sơ sinh, khám sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân; duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu dân số- KHHGĐ; tăng thêm thù lao cho cộng tác viên dân số- KHHGĐ.