"Cẩm nang” của dân làng
Về Bình Thạnh, chúng tôi thật sự ấn tượng với quá trình đi lên của làng biển này. Con đường vào thôn, đến từng ngõ ngách của mỗi xóm, nhà không to rộng như vùng đồng bằng, nhưng sạch đẹp tinh tươm nhờ đã trải kín bê tông xi măng. Nhiều ngôi nhà mới mọc lên khang trang, những ngôi nhà tầng bắt đầu xuất hiện. Những năm qua, nhờ đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp, khai thác hải sản, phát triển mô hình kinh tế vườn, kinh tế hộ gia đình, gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch…nên Bình Thạnh bây giờ đã sang trang mới với mức sống, sinh hoạt của làng biển từng bước được đô thị hóa.
Bên cạnh tâp trung phát triển kinh tế, Bình Thạnh luôn quan tâm thực hiện khá tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hiện nay, Bình Thạnh có 3 thôn với dân số trên 3.000 người. Các thôn đã xây dựng thôn văn hóa và đều có hương ước, quy ước. Để từng bước đưa công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước vào nề nếp và có chất lượng, hiệu quả góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phù hợp với giai đoạn hiện nay và Chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã cùng với các thôn tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và đề nghị UBND huyện phê duyệt lại, phê duyệt mới. Nội dung hương ước tại các thôn, đều quy định rõ những việc dân phải được biết và bàn như chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quy định việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; quyết toán thu chi các loại quỹ, các khoản đóng góp xây dựng hạ tầng, công trình phúc lợi hay chủ trương vay vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo... Các thôn còn chủ động lồng ghép quy chế dân chủ vào xây dựng quy ước, hương ước về nếp sống văn hóa, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Với người dân, hương ước, quy ước là một phần của văn hóa làng, mang tính cộng đồng cao nên phải được xây dựng trên tinh thần dân chủ, theo nguyện vọng của số đông người dân. Hương ước, quy ước còn quy định việc sống đoàn kết, hòa thuận, tương thân, tương ái giữa các dòng họ, giữ vững và phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc, nhất là quá trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông Huỳnh Thanh Tùng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh thì mỗi khi làm việc gì người dân đều cân nhắc xem có trái quy ước thôn hay không. Các quy định thuộc nhiều lĩnh vực như: Hiếu, hỷ, vệ sinh môi trường, khuyến học, lễ hội, các khoản đóng góp quỹ… đều được xây dựng chi tiết, cụ thể trong quy ước làng, người dân xem đó như một cuốn "cẩm nang” để thực hiện.
Phát huy hiệu quả
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở Bình Thạnh hiện nay gắn với công tác xây dựng xã văn hóa và phát triển du lịch. Do đặc thù của các ngành nghề kinh doanh, buôn bán nên vấn đề rác thải, vệ sinh môi trường trước đây rất đáng lo ngại. Từ khi, mỗi thôn xây dựng quy ước, trong đó quy định rõ việc đổ rác đúng nơi quy định, ở các cuộc họp, ban lãnh đạo thôn đều đưa nội dung này tuyên truyền, vận động. Kết quả được bà con chấp hành nghiêm, trả lại môi trường xanh, sạch đẹp cho khu dân cư. Tuy nhiên trong cuộc sống hàng ngày cũng có người chấp hành chưa nghiêm quy ước, những lúc đó, ban lãnh đạo thôn và các đoàn thể phải vào cuộc vận động bằng việc nhắc lại những quy định mà chính các hộ dân đã nhất trí thông qua…để họ tự khắc phục những việc làm chưa đúng. Thế rồi, ai cũng hiểu bãi biển đẹp và những chủ nhân của nó ứng xử có văn hóa thì mới thu hút được khách du lịch. Thu nhập cũng từ đó tăng lên.
Một trong những nét bản sắc độc đáo, quan trọng đối với sự phát triển của vùng biển Bình Thạnh chính là việc giữ gìn, bảo tồn và khơi gợi những mạch nguồn văn hóa dân gian trong đời sống hiện đại. Người dân tự giác thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Hàng năm, các lễ nghi ở các khu di tích văn hóa lịch sử như Đình Bình An, chùa Phật học, Lăng ông Nam Hải, chùa Cổ Thạch…được tổ chức tiết kiệm nhưng rất trang trọng, thể hiện nét văn hóa tâm độc đáo của cư dân làng biển. Cũng từ “lệ làng”, mà công tác khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh, góp phần động viên, khích lệ tinh thần, ý thức học tập của các em học sinh. Nhiều người đã thành đạt, tiếp bước những bậc cha anh đi trước trong xây dựng quê hương.
Ở Bình Thạnh, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đặt trọng tâm là xây dựng Thôn văn hóa, Gia đình văn hóa... đều dựa vào cộng đồng, phù hợp với điều kiện lao động cũng như nắm bắt đúng nhu cầu người dân. Việc tự giác thực hiện hương ước ngày càng phát triển sâu rộng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Nhiều giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn; y tế, giáo dục được chăm lo, môi trường cảnh quan, kỷ cương, pháp luật, tình làng nghĩa xóm được bảo đảm và củng cố. Tình hình an ninh trật tự ổn định và giữ vững.