Thực hiện Nghị Quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị “về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới”, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trong huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là vai trò trách nhiệm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của nhân dân có sự chuyển biến tích cực. Hệ thống y tế ngày càng được củng cố; nhiều chỉ tiêu về chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, nâng cao sức khoẻ, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội và nâng cao ý thức giữ gìn sức khoẻ của nhân dân trên địa bàn huyện.
10 năm qua, từ cơ sở vật chất còn thiếu thốn, khó khăn, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngành y tế đã đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khoẻ nhân dân.Tháng 6 năm 2007 tuyến y tế huyện được chia tách thành Phòng Y tế và hai đơn vị sự nghiệp gồm: Bệnh viện đa khoa và Trung tâm Y tế. Bệnh viện đa khoa huyện có quy mô 100 giường bệnh, đến năm 2010 số giường bệnh được nâng lên là 170 giường và hiện nay là 180 giường; cơ sở hạ tầng Bệnh viện từng bước được xây dựng, mở rộng; trang thiết bị được đầu tư nâng cấp; trình độ đội ngũ cán bộ y, bác sỹ của Bệnh viện được nâng cao, phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Riêng Phòng khám đa khoa khu vực trong thời gian qua đã được nâng cấp sửa chữa, đầu tư thêm trang thiết bị như: máy siêu âm màu, máy điện tim, máy chụp X quang, máy xét nghiệm đa thông số…phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân thị trấn Phan Rí Cửa và các xã lân cận.Trung tâm y tế huyện là đơn vị sự nghiệp, thực hiện chức năng, nhiệm vụ triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe nhân dân trên lĩnh vực y tế dự phòng và quản lý toàn diện 12 trạm y tế (TYT) trên địa bàn.
Sự nổ lực to lớn của đội ngũ cán bộ ngành Y tế đã đem lại những kết quả đáng phấn khởi.Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi qua các năm giảm từ 4,4%o (năm 2005) xuống 3,1%o (năm 2014). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (theo cân nặng) giảm từ 19,9% (năm 2005) xuống 9,43% (năm 2014). Tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân dưới 2500 gam giảm từ 3,7% (năm 2005) xuống 2,8% (năm 2014). Tỷ lệ bác sỹ trên 10.000 dân còn thấp (2,61 bác sỹ /10.000 dân năm 2005; 2,79 bác sỹ /10.000 dân năm 2014). Số giường bệnh tăng từ 11,27 giường (năm 2005) lên 15,93 giường (năm 2014)/10.000 dân. Từ năm 2007 đến nay có 06 ca tử vong mẹ liên quan đến sinh đẻ (năm 2007:01; 2009:01; 2012:02 và 2013:02). Trong công tác tiêm chủng mở rộng, huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên làm công tác tiêm chủng nên trong quá trình triển khai không có tai biến đáng tiếc xảy ra; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cơ bản luôn được duy trì hàng năm đạt từ 95% trở lên.
Mạng lưới y tế xã, thị trấn không ngừng được củng cố, kiện toàn và phát triển, từng bước xây dựng đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Đến năm 2010, toàn huyện đã có 12/12 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia giai đoạn (2001-2010) và đến năm 2013 có 04 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới giai đoạn (2011-2020).
Y học cổ truyền của huyện phát triển mạnh mẽ, Hội Đông y huyện với 143 hội viên và 10/12 Hội Đông y xã, thị trấn có vườn thuốc nam với tổng diện tích 5.000m2, lấy nguyên liệu phục vụ cho công tác khám chữa bệnh; Bệnh viện huyện có khoa đông y, Phòng khám đa khoa Phan Rí Cửa có Tổ đông y với 01 bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền, 04 y sĩ (kể cả y sỹ định hướng YHCT), 04 điều dưỡng (đã được đào tạo về vật lý trị liệu. Có 9/12 trạm y tế có cán bộ phụ trách y học cổ truyền; 12/12 trạm y tế có vườn thuốc nam. Tỷ lệ bệnh nhân khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ngày một tăng, đến nay có trên 20% số bệnh nhân được khám chữa bệnh bằng đông-tây y kết hợp.
Đội ngũ cán bộ y tế từ huyện tới cơ sở được kiện toàn về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Hiện nay, tổng số cán bộ y tế toàn huyện là 265 người, tăng 107 người so với năm 2005 (trong đó có 42 bác sỹ, tăng 6 người so với năm 2005). Tuyến huyện có 194 người, trong đó có 34 bác sỹ; 12 trạm y tế xã, thị trấn có 71 người, trong đó có 8 Trạm y tế (TYT) có biên chế bác sĩ; 12/12 TYT có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 9/12 TYT có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm trách khám chữa bệnh y học cổ truyền, thực hiện đông - tây y kết hợp; 11/12 TYT có dược tá, dược sĩ; có 41 y tế thôn tại các xã (trừ 02 thị trấn) và 109 cộng tác viên dinh dưỡng trên toàn huyện.
Ngành y tế huyện thường xuyên cử cán bộ đi đào tạo, tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn thực hành chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế, nhất là đội ngũ cán bộ y tế thôn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng quản lý chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Đội ngũ cán bộ y tế học đường trong thời gian gần đây cũng được bổ sung với 26/63 trường học có cán bộ y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh các trường học trong huyện.
Công tác quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn được tăng cường, nhất là công tác quản lý về hành nghề y, dược tư nhân. Toàn huyện hiện có 13 cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh tư nhân, trong đó có 4 cơ sở có máy móc hiện đại, 1 cơ sở khám chữa bệnh đa khoa và 8 cơ sở chuyên khoa răng hàm mặt- tai mũi họng. Có 2 công ty dược, 2 nhà thuốc tư nhân, 47 phòng chuẩn trị y học cổ truyền và gần 70 quầy, đại lý bán thuốc tân dược.
Công tác xã hội hoá y tế được các cấp, các ngành quan tâm nhất là mô hình xã hội hóa mang tính từ thiện do các tổ chức, cá nhân nhà tài trợ, phối hợp với Hội chữ thập đỏ như: Chương trình đem lại ánh sáng cho người mù nghèo; chương trình phẩu thuật sứt môi hở hàm ếch cho trẻ khuyết tật; mổ tim bẩm sinh; tổ chức nhiều đợt khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng thuộc diện nghèo, chính sách, tại các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn trong huyện; người cao tuổi; các chương trình hỗ trợ, giúp đở của Hội nạn nhân chất độc da cam, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo…với người tàn tật, khuyết tật đã góp phần chăm lo sức khoẻ cho người nghèo, người khuyết tật ngày một tốt hơn.
Công tác khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế được quan tâm bằng nhiều giải pháp bước đầu có hiệu quả trong việc chăm sóc sức khoẻ, thực hiện chia sẻ giữa người khoẻ với người ốm, người giàu và người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em và người hết tuổi lao động. Số lượng người khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện ngày càng tăng lên. Năm 2005 chỉ có 39.549 người dân tham gia BHYT, chiếm 27.85% dân số và đến năm 2014 có 68.654 người dân tham gia, đạt 47.18% dân số trong huyện.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trên địa bàn huyện vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Quan điểm “Nghề y là một nghề đặc biệt cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt” chưa thực sự đi vào cuộc sống; nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền về các quan điểm, mục tiêu và một số giải pháp nêu trong Nghị quyết số 46-NQ/TW chưa đầy đủ và sâu sắc. Nhân lực ngành y tế tuy có đào tạo, bổ sung nhưng vẫn còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng nhất là tình trạng thiếu bác sỹ kéo dài.Chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Một bộ phận nhân dân chưa có ý thức tốt về bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ của cá nhân, cộng đồng nên chưa tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh chung, phòng chống dịch bệnh. Chưa có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, nhân viên y tế, nhất là đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; việc thu hút người có trình độ bác sỹ về công tác còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Thiết nghĩ, để công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đạt được những kết quả hơn nữa; ngoài trách nhiệm quan tâm chăm lo của toàn xã hội thì hơn ai hết ngành Y tế cần triển khai đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục khám bệnh, chữa bệnh nhằm giảm phiền hà cho nhân dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ sở y tế; thực hiện tốt Quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Tăng tỷ lệ người dân tham gia các loại hình bảo hiểm y tế; hạn chế, tiến tới kiểm soát dịch bệnh, các yếu tố nguy cơ liên quan đến dinh dưỡng, sức khoẻ môi trường, bệnh tật học đường, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, các bệnh không lây nhiễm, các bệnh do hành vi, lối sống ảnh hưởng có hại cho sức khoẻ.Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động y tế; thực hiện tốt việc hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng thuộc diện chính sách, người khuyết tật và người nghèo… trong chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.