Cùng với sự phát triển kinh tế, phương tiện giao thông đường bộ ngày càng tăng nhanh, mỗi năm tăng hơn 5.000 xe mô tô, việc đầu tư thi công nhiều công trình, dự án, nhất là tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn huyện Tuy Phong đã ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tính từ ngày 16/12/2012 đến ngày 15/9/2015, toàn huyện xảy ra 195 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 88 người, bị thương 132 người; 02 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 01 người, thiệt hại tài sản khoảng 100 triệu đồng, không có tai nạn giao thông đường thủy nội địa.
Sau 03 năm thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, Chỉ thị số 28-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII), các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể từ huyện đến xã đã có nhiều cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp triển khai thực hiện; đã triển khai cơ bản đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhờ đó đã góp phần kiềm chế, giảm dần tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững trật tự, an toàn xã hội. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông được các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và các ngành chức năng thwcj hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; xây dựng nhiều mô hình, tuyến đường và thôn, xóm về an toàn giao thông như “mỗi đoàn viên, thanh niên là một tuyên truyền viên về an toàn giao thông”, “Cổng trường an toàn giao thông”, “Đoạn đường thanh niên tự quản”, “Đội thanh niên xung kích tuyên truyền”...Cùng với đó, có 60.720 xe mô tô 2-3 bánh, ô tô các loại đã được quản lý đăng ký; hơn 100 lượt lái xe, chủ phương tiện, 105 chủ lái xe ba gát máy ký cam kết không vi phạm luật giao thông và các điều kiện kinh doanh vận tải; tổ chức 2.581 ca tuần tra, kiểm soát giao thông, xử lý các trường hợp vi phạm. Kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư; đã khắc phục 5 điểm đen thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông (2 điểm trên Quốc lộ 1A, 2 điểm trên đường ĐT 716 Liên Hương - Bình Thạnh - Chí Công, 01 điểm trên đường nội thị).
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), Chỉ thị số 28-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, Tuy Phong xác định một số nhiệm vụ và giải pháp:
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở địa phương; phấn đấu hàng năm kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông hàng năm từ 5% đến 10% trên cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương.
2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đến tất cả các đối tượng, sâu rộng đến từng địa bàn dân cư, các tầng lớp nhân dân, tập trung vào các nhóm đối tượng dễ gây tai nạn giao thông bằng nhiều hình thức và nội dung phù hợp, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của mỗi người dân, từng bước hình thành “văn hóa giao thông” trong cộng đồng và toàn xã hội; xây dựng khu dân cư, xã, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học...an toàn về an ninh trật tự và an toàn giao thông.
3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chỉ đạo tăng cường, mở rộng công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hơn nữa các lỗi vi phạm; quản lý phương tiện, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải; quản lý lộ giới hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, lòng lề đường nội thị.
4. Quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát, khắc phục các điểm đen có nguy cơ xảy ra tai nạn. Xây dựng phương án điều tiết, chống ùn tắc giao thông đường bộ trong các tình huống đột xuất, tại nạn nhằm đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn.
5. Củng cố, kiện toàn Ban an toàn giao thông từ huyện đến xã, thị trấn; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng trong công tác lãnh đạo bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.