Tự quản
Dẫn chúng tôi đến thăm một số đại diện họ tộc ở thôn Lạc Trị thực hiện mô hình điểm "Họ tộc tự quản về an ninh trật tự", anh Hoàng- Công an viên xã cho biết, thôn Lạc Trị có 755 hộ với 3.776 khẩu, hơn 2/3 là dân tộc Chăm. Đa phần sống bằng nghề nông. Việc thực hiện thí điểm mô hình là nhằm tìm kiếm cách thức xây dựng làng xóm yên vui… kinh tế phát triển
Sư cả Thường Xuân Hữu tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, bề thế. Ông nói: "Họ tộc tự quản là làm cho gia đình mình, dòng họ mình, bà con làng xóm mình không xảy ra các tệ nạn, sống chan hòa, no ấm, hạnh phúc. Vậy thôi". Người dân trong thôn rất nể vị sư cả này bởi việc ông đã cùng vợ chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc. 4 người con của ông thì 2 người làm giáo viên cấp III, 2 người là y, bác sĩ. Còn 20 hộ gia đình với 60 khẩu trong tộc họ Thường thì sống rất đoàn kết, hòa thuận, thủy chung. Sư cả cho biết, với đồng bào Chăm, các phong tục, lễ nghi, đám tang, đám cưới, dựng nhà... đều thông qua các chức sắc, các môn phái, thầy cả, thầy cò kê, thầy giỗ và các vị có uy tín trong họ tộc. Tiếng nói người có uy tín trong họ tộc là rất quan trọng, con cháu phải nghe theo.
Ảnh: Sư cả Thường Xuân Hữu.
Hằng năm, con cháu họ Thường quây quần đoàn tụ bên nhau ôn lại truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, ông bà để học tập và làm theo, đồng thời, nghe Hội đồng gia tộc báo cáo kết quả hoạt động, phấn đấu của dòng họ, tuyên dương những gương người tốt, việc tốt, phê phán các thói hư, tật xấu, đồng thời nhắc nhở, động con cháu thi đua học tập, lập thân, lập nghiệp. Một điều "cấm kỵ" với con cháu trong họ tộc là không được làm điều xấu gây mất tình làng, nghĩa xóm, xa lánh người thân, họ hàng hay ăn chơi lêu lỏng, vi phạm luật giao thông, bài bạc, tụ tập băng nhóm quậy phá. Mặt khác, họ tộc cũng động viên con cháu học tập, chăm chỉ làm ăn. "Quỹ khuyến học dòng họ" mỗi học kỳ của năm học đều có khen thưởng, con em trong họ tộc học giỏi cấp I được khen thưởng 100.000 đồng; cấp II khen 200.000 đồng, cấp III khen 300.000 đồng. Còn "Quỹ phát triển kinh tế dòng họ" dùng để lo cho những ngày lễ trọng của tổ tiên, hỗ trợ những hộ trong tộc họ gặp khó khăn hay khi cần vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Với cách nghĩ, cách làm của họ tộc nên nhiều năm liền 20 hộ gia đình trong họ đạt gia đình văn hoá, nhiều hộ chăn nuôi bò dê, trồng lúa, hành tím, cây ăn trái....thu lãi từ hàng chục triệu cho đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Ở thôn Lạc Trị có nhiều họ tộc được xã, huyện khen về phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", trong đó có Họ tộc Mai Lớ. Thấy cháu Bích Văn Thoáng, sinh năm 1993, mồ côi cả cha mẹ, thường xuyên quậy phá, gây rối trật tự ở địa phương, họ tộc đã đứng ra cưu mang, giúp đỡ, giáo dục bằng nhiều hình thức. Sống trong sự thương yêu, đùm bộc của cộng đồng, từ một đối tượng cộm cán, Bích Văn Thoáng đã trở thành một công dân tốt, biết kính trên nhường dưới, không còn tham gia tụ tập cờ bạc, rượu chè, gây gổ đánh nhau…”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Huỳnh Tấn Sinh, Trưởng Công an xã Phú Lạc cho biết, Thôn Lạc Trị có đến 25 họ tộc, họ tộc lớn nhất có từ 30-35 hộ với 180 thành viên, họ tộc nhỏ cũng có từ 15-20 hộ, với 115 thành viên. Theo nguyện vọng của các họ tộc, xã đã thành lập 1 Đội xung kích với 10 thanh niên là con em các họ tộc. Đội này rất tích cực phối hợp với Công an xã, Ban Điều hành thôn giải toả nhiều tụ điểm tập trung hợp nhóm thanh niên gây rối, đi xe nẹt pô, phóng nhanh, vượt ẩu...Từ năm 2012 đến nay, tại thôn xảy ra 14 vụ về trật tự thì các họ tộc đã tham gia hoà giải thành 11 vụ, tạo lòng tin trong nhân dân.
Phù hợp, đúng hướng.
Bằng truyền thống của dòng họ, Hội đồng gia tộc họ Thường, họ Qua, Mai Lớ, Lý Chanh, Dụng Bông...ở thôn Lạc Trị đã giáo dục, động viên con cháu gương mẫu chấp hành tốt các chính sách pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong các phong trào của địa phương. Mỗi họ tộc đều có căn nhà mồ (Kút-nghĩa trang họ tộc) là nơi thể hiện tâm linh, tín ngưỡng, đồng thời nhắc nhở con cháu thực hiện tốt quy ước của tộc họ cũng như quy ước xây dựng tộc họ "không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, đoàn kết phát triển kinh tế, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều được hội đồng gia tộc kêu gọi các thành viên trong họ quan tâm giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều con em trong các họ tộc đã thành đạt đang ra sức thi đua phát triển kinh tế ngay trên quê hương mình.
Mô hình "Dòng họ tự quản về an ninh trật tự" tại thôn Lạc Trị tuy mới bước đầu, nhưng đã cho thấy là phù hợp, đúng hướng, góp phần đáng kể trong xây dựng nông thôn mới.
MINH CHIẾN