Anh Tuấn cho biết, đồng bào Chăm ở Phú Lạc chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nhưng khó khăn về nhân công, phương tiện. Từ đó, anh đã mạnh dạn chọn mô hình dịch vụ làm đất-thu hoạch và vận chuyển nông sản bằng cơ giới hóa. Năm 2000, anh vay 20 triệu đồng từ ngân hàng để mua 1 chiếc máy xới đất, đảm nhận 10 ha/vụ lúa và thu lãi 7 triệu đồng/năm. Sau thành công ban đầu, có thêm vốn, năm 2001 anh tiếp tục vay mượn bà con sắm thêm một chiếc máy cày xới, hợp đồng với HTX nông nghiệp Lạc Trị để làm đất cho 20 ha lúa. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, với số tiền tích lũy được từ số phương tiện này, anh Tuấn tiếp tục đầu tư máy gặt đập liên hợp, máy cày kéo mở rộng địa bàn sản xuất. Bản thân anh tự tìm tòi, học hỏi cách thức quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật để phát huy hiệu quả các phương tiện đầu tư theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Trong từng khâu công việc, anh Tuấn luôn cẩn trọng, lấy sự tin cậy, hài lòng của nông dân làm thước đo cho sự thành công trong nghề nghiệp. Bà con nông dân ai cũng bảo những thửa ruộng được anh cày xới hay đám lúa anh gặt đâu đó đều kỹ càng, chu đáo.
Trước kia, gia đình anh là một trong diện những hộ nghèo của xã. Tài sản của gia đình chỉ có mấy sào đất vườn, ruộng đất bạc màu. Vợ chồng anh một nắng hai sương, xoay xở đủ nghề để sinh nhai nhưng cũng không thoát khỏi cảnh ăn bữa sáng lo bữa tối. Ngày đầu lập nghiệp, anh phải đưa máy vào huyện Bắc Bình, ra tận tỉnh Ninh Thuận để hợp đồng dịch vụ. Do chưa có kinh nghiệm, máy mốc cũ nên hay bị trục trặc, hư hỏng, không chỉ gây tốn kém tiền bạc mà còn làm chậm trễ thời gian làm đất, thu hoạch lúa của nông dân. Rút kinh nghiệm qua thực tiễn sản xuất, anh quyết định học cách sửa chữa máy, thay thiết bị cũ bằng thiết bị hiện đại, tăng hiệu quả sản xuất, phù hợp với tâm lý ưa chuộng của người nông dân. Với bản chất cần cù, siêng năng, anh đã vượt qua những khó khăn ban đầu, từng bước vững vàng trên con đường lập nghiệp.
Giờ đây, anh Tuấn đã có 2 chiếc máy xới đất, 2 máy cày kéo, 1 máy gặt đập liên hợp phục vụ làm đất 20 ha, gặt trên 100 ha lúa, kết hợp vận chuyển lúa từ đồng về sân phơi và từ sân phơi về nhà máy xay xát. Từ mô hình dịch vụ, anh Tuấn đã tạo công ăn việc làm cho 13 lao động chính, với mức thu nhập bình quân từ 5,5 triệu-7 triệu đồng/người/tháng và thu về lợi nhuận hàng năm cho gia đình hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, anh Tuấn đã tạo điều kiện cho hơn 20 lao động khác ở địa phương có việc mỗi khi vào mùa vụ.
Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, anh Tuấn còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động, đóng góp làm đường giao thông nội thôn, nội đồng, giữ gìn tình đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên hội nông dân và bà con lối xóm, được nhiều người trong thôn tin yêu, quý trọng. Nhiều năm liền anh Tuấn được công nhận là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.