Theo Chỉ thị, hiện nay, cả nước có 3.519 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, 1.925 tổ tàu thuyền an toàn, 382 bến bãi an toàn, người dân ký kết nhận tự quản 3.262 km đường biên giới, 2.345 mốc quốc giới đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ đã xuất hiện nhiều mô hình quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới như: “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”; “Tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn”; “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản”; “Tổ đoàn kết đảm bảo an ninh trật tự”; “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”...
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn bộc lộ một số hạn chế như: nhận thức về vị trí, vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia tại một số địa phương còn chưa cao; mô hình quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới được hình thành và phát triển sớm, hoạt động có hiệu quả thiết thực từ năm 1993 song chưa được quan tâm nghiên cứu một cách khoa học, thống nhất để phổ biến nhân rộng; việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch bố trí dân cư và chính sách hỗ trợ để đưa dân ra ở khu vực biên giới, gắn phát triển kinh tế, xã hội với xây dựng và bảo vệ biên giới còn thiếu đồng bộ và chưa được quan tâm đúng mức; chế độ chính sách đãi ngộ, ưu tiên cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia chưa thống nhất và còn nhiều bất cập…Do đó, để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01 nhằm quy định rõ vai trò, nhiệm vụ của các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới, bờ biển … trong tổ chức phong trào cho các tập thể, hộ gia đình và cá nhân đăng ký tham gia tự quản bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự trên các tuyến biên giới.
Đối với các địa phương có biên giới, bờ biển, Chỉ thị yêu cầu bố trí ngân sách để đảm bảo cho các hoạt động của phong trào quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; mở các đợt tập huấn định kỳ cho đội ngũ cán bộ phong trào và tổ chức hoạt động học hỏi, trao đổi kinh nghiệm…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Đồng chí Nguyễn Dân - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy đề nghị trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt Chỉ thị và triển khai thực hiện Kế hoạch số 3878/KH-UBND ngày 29/10/2015 của UBND tỉnh, Kế hoạch số 10-KH/HU ngày 25/11/2015 của Ban Thường vụ Huyện ủy, từ đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó cần phải hết sức chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu được trách nhiệm, quyền lợi trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Cần tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện định kỳ để khắc phục những tồn tại và nhân rộng những mô hình thực hiện hiệu quả góp phần thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.