"Của để dành"
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ du nhập vào vùng đất Tuy Phong khá lâu và được người dân Tuy Phong giữ gìn trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của nhiều loại hình văn hóa hiện đại. Với 5 Câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử, gồm CLB Ngọc Đẩu (Liên Hương), CLB Phước Thể, CLB Vĩnh Hảo, CLB Vĩnh Tân và CLB tuồng cổ Long Phụng (Liên Hương), người yêu vọng cổ vẫn nghe được những câu vọng cổ ngọt ngào đắm say lòng người giữa nhịp sống sôi động.
Vùng đất đầy “nắng gió” không chỉ hấp dẫn bởi cảnh sắc hữu tình mà còn níu chân người bởi “đờn ca tài tử” gắn với những tập tục sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người dân địa phương. Với lớp ngôn từ mượt mà, tha thiết diễn tả những khởi sắc của quê hương trên con đường đổi mới, và cũng có chút nỗi lòng sâu kín, tinh tế diệu vợi của tình yêu đôi lứa... khiến cho mỗi lần nghe là một lần thấm cảm, một lần đưa ta về với nguồn cội, để đối diện với chính mình mà biết sống và ước mơ. Hiện nay, một số CLB đã trang bị nhạc cụ như đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu, ghi-ta điện…nhưng cũng có CLB vẫn muốn giữ nhịp tiếng đàn réo rắt tự nhiên của cây ghi-ta thùng. Nét riêng của đờn ca tài tử ở chổ những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau, họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục, thường biểu diễn trong phạm vi không gian tương đối nhỏ như trong gia đình, tại đám cưới, đám giỗ, sinh nhật, trong các lễ hội, sau khi thu hoạch mùa vụ...Cái hay là “danh ca” tài tử không hẳn là những nghệ sỹ thực thụ mà là những bác nông dân “một nắng hai sương”, những ngư phủ “đạp sóng biển khơi” nhưng vẫn ngân lên lời ca cổ như tiếng hồn dân tộc. Không cần nhiều, có lúc vài ba chục người, có lúc chỉ dăm ba người, sẳn có máu là được tự do “tài tử” và chỉ cần có chút men vào thì tiếng đàn, tiếng hát sẽ ngọt, lắng đọng trong hồn người.
Đoàn tuồng cổ Long Phụng được hình thành từ trước năm 1975, với đại gia đình gồm 5 thế hệ theo nghiệp đờn ca tài tử, trong đó mẹ viết kịch bản, con trai làm đạo diễn, cháu chắt là diễn viên. Cuộc sống khó khăn, các thành viên phải chạy lo “miếng cơm, manh áo”, nhưng khi diễn tuồng, họ đã cháy hết mình, đem đến cho khán giả những giai điệu mượt mà sâu lắng. Ở mảnh đất Tuy Phong, anh Nguyễn Văn Nùng (còn gọi là Tám Nùng), SN 1955 ở thị trấn Liên Hương được xem là người gạo cội trong đờn ca tài tử. Anh không chỉ có khả năng ca hay, đàn ngọt mà còn là người được xem như đặt nền móng cho phong trào đờn ca tài tử tại địa phương. Từ “lò” đào tạo của anh, nhiều tay đờn như Phúc Dân, Tám Thọ, Văn Tĩnh, Minh Vương, Ngọc Hiệp và các giọng ca như Năm Sển, Thanh Giang, Bích Hợp, Trọng Ảnh, Thanh Huấn, Thanh Trúc, Hoàng Phúc, Thủy Liên…đã vươn lên khẳng định mình và đi vào lòng người một cách ngọt ngào, quyến rũ.
Cần có sự quan tâm
Hàng năm, Trung tâm Văn hóa thể thao Tuy Phong đã tổ chức Hội thi “Đờn ca tài tử, cải lương” nhằm góp phần nâng cao chất lượng, số lượng đờn ca tài tử, đồng thời thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy loại hình Đờn ca tài tử Nam bộ giai đoạn 2015-2020” của UBND tỉnh. Dẫu vậy, xung quanh những dư vị thiết tha đặc trưng trong lời ca tiếng đàn, đờn ca tài tử ở Tuy Phong cũng đang gặp phải không ít gập ghềnh, trúc trắc. Theo một số CLB, tuy có sức sống mãnh liệt, được duy trì một cách tự nhiên bằng lòng đam mê, thế nhưng, để phát huy được đờn ca tài tử không phải là điều dễ dàng. Bởi hiện nay, hoạt động này trên địa bàn chủ yếu theo kiểu tự phát, một vài người cùng chung đam mê hợp lại với nhau để cùng chia sẻ giọng ca, tiếng đàn, còn tổ chức bài bản thì chưa thực hiện được. Một thực tế nữa đó là lớp “nghệ sĩ” đã lớn tuổi ngày càng ít, trong khi lớp trẻ đang chịu tác động bởi các loại hình văn hoá, giải trí hiện đại.
Các CLB đờn ca tài tử cho rằng, muốn bảo tồn và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử, trước tiên phải tính đến nhân tố con người, nhất là quan tâm thỏa đáng về vật chất và tinh thần cho các bậc thầy, nghệ nhân làm công việc truyền dạy đờn ca tài tử, cũng như tôn vinh, ghi nhận công lao của họ. Thường xuyên đào tạo thế hệ kế cận, giúp khơi gợi niềm yêu thích bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử trong lớp trẻ; tổ chức hội thi để các nhóm đờn ca tài tử có dịp giao lưu, phát huy niềm đam mê và gìn giữ các câu ca, điệu đàn cổ...