Qua hoạt động thực tiễn, các Tổ công tác dân vận phát huy được hiệu quả công tác dân vận ở thôn, khu phố; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, tham gia xây dựng nông thôn mới, làm giao thông nông thôn, thi đua làm thủy lợi nhỏ, đóng góp các nguồn quỹ, làm công tác xã hội từ thiện, chăm lo cho gia đình đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, tham gia hoà giải các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự xã hội, thực hiện mục tiêu “03 giảm”, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm; góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu về phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và đã triển khai, nhân rộng 39 mô hình dân vận hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, phương thức hoạt động của Tổ dân vận thôn, khu phố vẫn còn nhiều lúng túng; một số thành viên chưa nắm vững chức năng, nhiệm vụ của Tổ dân vận; hầu hết các thành viên hoạt động theo kinh nghiệm và sự nhiệt tình của bản thân là chính; việc nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương giải quyết của cấp trên trong lĩnh vực đất đai, hôn nhân gia đình, tôn giáo, dân tộc... còn hạn chế, nên lúng túng trong việc tham gia phối hợp vận động, hòa giải, giải quyết khiếu kiện; điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn nhất là về cơ sở, vật chất; việc sơ kết, tổng kết để đánh giá đúng thực chất hoạt động của các Tổ dân vận chưa được cấp ủy cơ sở quan tâm thực hiện.
Trong khi đó, tình hình an ninh- trật tự, an toàn xã hội còn nhiều tiềm ẩn phức tạp; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ nhân dân chưa nghiêm; nhiệm vụ công tác dân vận ngày càng nhiều; cán bộ làm công tác dân vận nhất là ở địa bàn thôn, khu phố còn kiêm nhiệm, trình độ, năng lực có mặt còn hạn chế, cơ sở vật chất, chính sách, chế độ cho cán bộ làm công tác dân vận còn khó khăn. Do đó yêu cầu đặt ra là: Hoạt động của Tổ dân vận phải hướng vào việc tham gia giải quyết những bức xúc, nổi cộm từ cơ sở, tạo niềm tin của nhân dân đối với cấp uỷ, chính quyền; trọng tâm là các vấn đề tranh chấp đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, những vấn đề phức tạp trong dân tộc, tôn giáo... Do đó, cần phải quan tâm cơ cấu thành viên của Tổ dân vận trước hết phải là người có uy tín; gương mẫu chấp hành tốt và nắm vững các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, những quy định của địa phương; nhiệt tình, tâm huyết đối với các phong trào. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho các thành viên Tổ dân vận phải được coi trọng, tiến hành thực hiện thường xuyên để các thành viên Tổ dân vận hiểu rõ và nắm bắt kịp thời, để tuyên truyền, vận động triển khai sâu sát đến các tầng lớp dân cư. Tăng cường và phát huy mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ tổ dân vận với người dân, coi đây là cầu nối quan trọng để vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các quy định của địa phương và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.