Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức quán triệt Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X), Kế hoạch số 40-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khoá XI) về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới cho 200 cán bộ chủ chốt của huyện; đồng thời chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ cơ sở, Mặt trận, đoàn thể các địa phương, các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế triển khai quán triệt các chỉ thị, kế hoạch nêu trên cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền đia phương đã tổ chức tốt việc quán triệt, tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân để nâng cao nhận thức và thực hiện tốt các mục tiêu kế thừa, phát triển y dược học cổ truyền và tầm quan trọng kết hợp Đông- Tây y trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân.
Qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới trên địa bàn huyện đã kết quả đạt rõ nét. Tính đến nay, toàn huyện có 04 phòng chẩn trị với 35 lương y, 01 lương dược; Bệnh viện huyện có khoa đông y, Phòng Khám đa khoa Phan Rí Cửa có 01 tổ đông y với 01 bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền, 04 y sĩ (kể cả y sĩ định hướng y học cổ truyền) và 04 điều dưỡng (đã được đào tạo về vật lý trị liệu). Tất cả 12/12 xã, thị trấn đều có Hội Đông y, gồm 143 hội viên và đi vào hoạt động có nề nếp, 23 phòng khám y học cổ truyền tư nhân và các cơ sở kinh doanh thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Các trạm y tế cơ sở có phân công cán bộ đảm trách công tác y học cổ truyền, xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới y học cổ truyền và triển khai các hoạt động khám, chữa bệnh đông- tây y kết hợp. Bệnh viện huyện có 02 đơn vị thực hiện khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền (khoa đông y Bệnh viện huyện và tổ đông y Phòng Khám Đa khoa Phan Rí Cửa). Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đông y được quan tâm; trong 05 năm (2008 - 2012), đã đào tạo được 40 lương y, lương dược. Hiện tại, có 09/12 trạm y tế có cán bộ phụ trách y học cổ truyền, 03 trạm y tế còn thiếu chức danh chuyên môn này và đã được Trung tâm Y tế đăng ký danh sách đào tạo tại Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận. Bệnh viện huyên hiện có 01 bác sĩ đang được đào tạo y học cổ truyền hệ chuyên tu.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị y học cổ truyền được đầu tư. Tại Bệnh viện huyện đã có đèn chiếu tia hồng ngoại, máy điện châm, máy mát-xa và các thiết bị vật lý trị liệu phục hồi chức năng như máy mát- xa toàn thân, máy kéo cột sống…Tổng số giường bệnh phục vụ y học cổ truyền hiện nay là 60 giường, trong đó, khoa đông y Bệnh viện huyện, tổ đông y Phòng Khám đa khoa Phan Rí Cửa và các trạm y tế cơ sở là 20 giường; các phòng chẩn trị và hoạt động lương y các địa phương là 40 giường.
Việc phát triển y dược học cổ truyền và nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên lĩnh vực y học cổ truyền được tập trung. Tại các Trạm Y tế, có trồng vườn thuốc nam mẫu theo quy định của Bộ Y tế; 10/12 Hội Đông y xã, thị trấn có vườn thuốc nam với tổng diện tích 5.000m2 . Các ngành chức năng tổ chức hội thảo, đề tài khoa học nghiên cứu, tổng kết cách dùng các cây thuốc nam và phương pháp trị bệnh không dùng thuốc. Hàng năm, Hội Đông y huyện duy trì việc tổ chức Hội thảo chuyên đề về đông y và phát hành tập san về những bài thuốc hay, những cây thuốc quý. Bệnh viện huyện có 5 đề tài liên quan điều trị bệnh bằng y học cổ truyền. Hội đông y các cấp đã tổ chức khám và điều trị là 158.196 lượt người, đạt tỷ lệ 316% chỉ tiêu tỉnh giao. Số thang thuốc đã hốt cho bệnh nhân là 88.530 thang. Điều trị bằng phương pháp châm cứu, chích lể, xoa bóp... là 62.493 lượt. Số thuốc cao đơn, hoàn tán đã sử dụng là 48.344 hộp, 26.019 chai và 12.139 gói. Tổng thành tiền là 3.609.802.000 đồng. Miễn giảm cho bệnh nhân nghèo là 15.594 lượt (tỉnh Hội giao 5.000 lượt); thành tiền là 190.748.000 đồng; đạt tỷ lệ 314% so với kế hoạch. Các trạm y tế cũng đã thực hiện khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp đông tây y; số lần khám chữa bệnh chung là 186.274 lần, số lần khám, chữa bệnh bằng đông y kết hợp tây y là 31.130 lần. Hơn 05 năm thực hiện xã hội hoá hoạt động y tế, riêng về lĩnh vực y học cổ truyền toàn huyện có 01 phòng chẩn trị đông y cấp huyện, 03 tổ chẩn trị Đông y cấp xã, 07 nhà thuốc đông y bán thuốc cao đơn, hoàn tán; 15 phòng khám bệnh, 54 cơ sở dược (trong đó có 22 quầy thuốc, 27 đại lý và 05 cơ sở bán lẻ đông y dược liệu).
Nhìn chung: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đạt được kết quả tích cực. Chất lượng khám, chữa bệnh bằng phương pháp cổ truyền tăng lên, kết hợp chặt chẽ giữa y học cổ truyền và y học hiện đại; nhiều loại đông dược thành phẩm được sản xuất và được Bộ Y tế cho phép đưa vào sử dụng. Cơ sở, trang thiết bị, nhân lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, tay nghề được nâng lên; xã hội hóa được chú ý triển khai; công tác tuyên truyền được quan tâm; người dân đến khám và điều trị bệnh bằng đông y nhiều hơn. Tổ chức Hội Đông y từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn; từng bước đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, có những tiến bộ, chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân./.
MINH CHIẾN