Hiện nay, toàn huyện có 807 trường hợp đủ điều kiện nhận trợ cấp hàng tháng; trong đó có 03 Mẹ Việt Nam anh hùng; 253 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 85 bệnh binh; 11 quân nhân bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động; 10 người phục vụ Thương, bệnh binh nặng; 229 người ưu đãi tuất; 81 người có công giúp đỡ cách mạng; 21 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 5 người là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 119 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.
Trong những năm qua, phong trào toàn dân chăm sóc nuôi dưỡng thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng tiếp tục được xã hội hóa, thể hiện tình cảm sâu nặng, trách nhiệm của mọi người dân đối với gia đình chính sách. Các ngành chức năng đã thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội để vận động đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân và những nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ các gia đình người có công với cách mạng. Sự lớn mạnh của phong trào đã phát triển sâu rộng, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng biển đến miền núi, từ già đến trẻ ai ai cũng sẵn sàng hăng hái tham gia hưởng ứng phong trào giúp đỡ thương binh, các gia đình chính sách với tinh thần và ý thức trách nhiệm cao nhất. Đến nay, toàn huyện duy trì 48 xuất phụng dưỡng, chăm sóc, giúp đỡ; trong đó có 100% Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, con liệt sĩ, con thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài số tiền phụng dưỡng, nhiều cơ quan, đơn vị còn tổ chức thăm hỏi khi các mẹ ốm đau, tặng quà, tặng dụng cụ sinh hoạt, hỗ trợ sửa chữa nhà ở...Việc tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn cũng được các cơ quan, ban ngành, tổ chức, cá nhân tích cực tham gia, đến nay, đã có 12 sổ tiết kiệm được tặng với trị giá mỗi sổ từ 1 triệu đến 3 triệu đồng; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho 820 hộ với số tiền từ 5-10 triệu đồng/hộ, đồng thời cấp 1.276 thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí cho người có công với nước. Hàng năm, Đoàn thanh niên phối hợp với các đoàn thể tổ chức “Đêm thắp nến tri ân” tại các nghĩa trang liệt sỹ vào dịp Ngày Thương binh liệt sĩ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo nên một điểm nhấn trong đạo lý uống nước nhớ nguồn. Với phong trào “Người con hiếu thảo”, "ngày của mẹ", nhiều hội viên phụ nữ đã đến nhà, tận tình chăm sóc mẹ liệt sỹ như chính mẹ ruột của mình. Con em của Tuy Phong, những người đi làm ăn xa thành đạt cũng đã gửi về giúp đỡ các gia đình chính sách hàng trăm triệu đồng để giúp đỡ các gia đình chính sách. Những hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” là nghĩa cử cao đẹp, mang ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc; góp phần quan trọng vào việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao tinh thần yêu nước thương nòi, tạo nên một nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa - xã hội; tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp ở Tuy Phong luôn hết sức quan tâm chăm lo đời sống cho gia đình chính sách với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà, tặng quà, tặng tiền, tạo việc làm cho gia đình chính sách và chung tay góp sức vào công tác đền ơn đáp nghĩa. Từ năm 2007 đến năm 2013, toàn huyện đã vận động được trên 3,6 tỷ đồng; từ nguồn đóng góp này, đã xây dựng mới 45 nhà, sửa chữa 203 nhà ở cho người có công với tổng kinh phí khoảng 4,856 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, huyện đã tiến hành xác minh và quy tập 09 hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ xây và sửa chữa 15 mộ Mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng mới 02 Nhà bia ghi tên liệt sĩ và sửa chữa 05 đài tưởng niệm liệt sĩ với tổng kinh phí trên 854,6 triệu đồng. Ngoài các chế độ theo quy định, địa phương còn thực hiện một số chính sách ưu đãi cho người có công như: Trợ cấp 834 trường hợp với số tiền 4,17 tỷ đồng cho thân nhân đang giữ Bằng Tổ quốc ghi công, thờ cúng liệt sĩ; trợ cấp 205 trường hợp với số tiền 690,35 triệu đồng cho những người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho; hỗ trợ 6,3 tỷ đồng tiền mai táng phí đối với những người có công từ trần; xét, miễn thuế nông nghiệp, thuế nhà đất cho người có công; xét, giải quyết đất ở cho 22 trường hợp; miễn giảm học phí, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp mua sách vở, đồ dùng học tập... cho 1.828 lượt học sinh, sinh viên là con thương binh, bệnh binh và liệt sĩ; chi chế độ nghỉ dưỡng tại nhà cho 1.492 lượt người với số tiền 1,328 tỷ đồng. Các vấn đề tồn đọng về công tác thương, binh liệt sĩ và người có công trong kháng chiến qua các thời kỳ cũng được quan tâm giải quyết; đến nay, 100% đối tượng có công với cách mạng có đầy đủ hồ sơ đã được nhà nước giải quyết chế độ, chính sách theo quy định; đối với một số trường hợp chưa đầy đủ hồ sơ hoặc hồ sơ không rõ ràng đã được rà soát, xin ý kiến giải quyết. Từ năm 2007 đến năm 2014, đã đưa 393 lượt người có công đi nghỉ dưỡng tại thành phồ Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu; chi chế độ nghỉ dưỡng tại nhà cho 1.492 lượt người với số tiền 1,328 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7 và Tết Nguyên đán hàng năm, từ các nguồn kinh phí được hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và kinh phí của huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy, Hội đồng nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện chỉ đạo và tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia chính sách, người có công với cách mạng với tổng số tiền là 2,808 tỷ đồng.
Điều đáng quý là các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng đã phát huy bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, là tấm gương điển hình, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, giúp nhau cùng phát triển và thành công trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, đời sống của gia đình người có công ngày càng được nâng lên ngang bằng mức sống bình quân chung của địa phương, có 42,86% hộ có mức sống từ khá trở lên, 55,85% hộ trung bình và còn 1,29% hộ nghèo. Ở các địa phương trên toàn huyện, các gia đình chính sách, gia đình cách mạng đã gương mẫu xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng nông thôn mới. Nhiều thương binh, bệnh binh thể hiện rõ quyết tâm và nghị lực, thực hiện tốt lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn nhưng không phế ”, từ năm 2007 đến nay, có 446 lượt thương binh được công nhận "Người công dân kiểu mẫu” và 544 lượt gia đình liệt sĩ được công nhận "Gia đình cách mạng gương mẫu".
Phải khẳng định rằng hơn một phần ba thế kỷ đã đi qua, nhưng những dấu son về một thời đấu tranh anh dũng vẫn không phai nhạt trong ký ức mỗi người dân Việt Nam. Chúng ta không thể nào quên được những mất mát đau thương trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Tri ân người có công với cách mạng, làm tốt công tác "Đền ơn, đáp nghĩa" là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nhằm phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, góp phần giữ vững, ổn định tình hình chính trị, xã hội và phát triển kinh tế đất nước ngày càng giàu mạnh./.