Vì vậy,sau khi tiếp thu Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” và Kế hoạch số 30-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể huyện, cấp ủy các chi bộ, đảng bộ cơ sở tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị trên đến cán bộ, đảng viên với số lượng tham dự đạt tỷ lệ 85%.
Công tác xuất bản, in ấn, phát hành trên địa bàn huyện thời gian qua có nhiều cố gắng. Hiện nay toàn huyện có 38 cơ sở kinh doanh, in ấn; trong đó: 13 cơ sở photocoppy, in logo trên áo, in thiệp cưới, thư mời, phong bì các cơ quan, 25 cơ sở kinh doanh sách báo, văn hóa phẩm, cho thuê truyện tranh...Các cơ sở này phần lớn hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, không có cơ sở phát hành xuất bản phẩm.
Trong thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Sở Thông tin và Truyền thông, Huyện ủy, UBND huyện, Phòng Văn hóa và Thông tin Tuy Phong triển khai các xã, thị trấn trong huyện tăng cường công tác tuyên truyền các văn bản như: Luật Xuất bản số 19/2012/QH13 ngày 20/11/2012; Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày12 tháng 11 năm 2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động Báo chí, Xuất bản; Nghị định số 105/2007/NĐ-CP ngày 21/6/2007 của Chính Phủ về hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm; Thông tư số 04/2008/TT-BTTTT ngày 09/7/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 105/2007/NĐ-CP ngày 21/6/2007 của Chính Phủ về hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999; Nghị định số 72/2011/NĐ-CP ngày 23/8/2011 Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản; Công văn số 289/STTTT-BCXB ngày 15/5/2009 về việc thực hiện các quy định trên lĩnh vực in ấn; Công văn số 424/STTTT-BCXB ngày 04/8/2009 về thực hiện các quy định trên lĩnh vực phát hành xuất bản và các văn bản có liên quan theo quy định của nhà nước bằng các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn toàn huyện và đồng thời tiến hành rà soát các cơ sở kinh doanh văn hóa phẩm, sách báo, các điểm bán và cho thuê truyện tranh, in ấn, photocopy…
Công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ từng bước được quan tâm. Đội ngũ cán bộ chuyên môn thường xuyên tự cập nhật nghiên cứu; trao đổi, học hỏi chuyên môn nghiệp vụ với các phòng chuyên môn của Sở Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý, tham mưu trên lĩnh vực hoạt động xuất bản chưa được quan tâm đúng mức; công tác quản lý, tham mưu, đề xuất trong lĩnh vực này còn hạn chế.
Điểm nổi bật trong thời gian qua là công tác chăm lo phát triển văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân được quan tâm phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, đem lại những kết quả thiết thực. Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn theo chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng được tổ chức duy trì thường xuyên. Từ năm 2011 đến nay, Công ty Phát hành Báo chí Trung ương gửi 86 đầu sách và 01 đĩa CD-ROM cho Thường trực Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Thư viện thuộc Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị và cấp ủy các xã, thị trấn trong huyện. Sách được phân loại và cấp cho các ban, ngành, đoàn thể có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ sử dụng trong công tác chuyên môn hoặc tra cứu bổ sung tài liệu học tập. Việc làm này đã phát huy tác dụng, giúp cán bộ xã, thị trấn nghiên cứu, học tập và khai thác tư liệu; đặc biệt những cuốn sách về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở các xã... góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực trong công tác điều hành, lãnh đạo đối với đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở. Đến nay, hầu hết các ấn phẩm đều được người đọc khai thác vận dụng, nội dung sách phù hợp, thiết thực với địa phương.
Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn thường xuyên quan tâm chỉ đạo, xây dựng quy chế về việc quản lý, sử dụng tài liệu, sách, báo đã được cấp. Đến nay,12/12 xã, thị trấn đã xây dựng tủ sách Pháp luật được đặt tại Ban Tư pháp và Văn phòng Đảng ủy; giao cho cán bộ tuyên giáo hoặc cán bộ tư pháp quản lý các ấn phẩm trên.
Hoạt động của Bưu điện văn hóa xã và của cả Thư viện huyện có nhiều khởi sắc.Trên địa bàn huyện hiện có 07 Bưu điện văn hóa xã (Hòa Phú, Phong Phú, Vĩnh Hảo, Hòa Minh, Chí Công, Bình Thạnh và Phước Thể); huyện có 01 thư viện huyện và 02 điểm truy cập Internet công cộng từ dự án BMGF-VN tài trợ (đặt tại Trung tâm Văn hóa –Thể thao huyện và xã Phú Lạc) đi vào hoạt động nề nếp và có hiệu quả.Bưu điện huyện quản lý, phụ trách việc luân chuyển sách báo cho các Bưu điện văn hóa xã, những năm trước đây, mỗi năm Bưu điện tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ khoản 180.000 - 200.000 đồng/năm để luân chuyển, mua mới sách, báo đến các Bưu điện văn hóa xã. Theo Kế hoạch mỗi năm Bưu điện tỉnh sẽ luân chuyển 1 – 2 đợt với 200 đầu sách, báo các loại về các Bưu điện văn hóa xã để phục vụ văn hóa đọc đến các tầng lớp nhân dân trong huyện.Hiện nay số lượng đầu sách của thư viện huyện hiện có là 11685 đầu sách, báo với đầy đủ các thể loại như: Y học, tâm lý, triết học, văn học, sách tham khảo, từ điển, bách khoa thư… hằng năm thu hút hàng ngàn độc giả. Bên cạnh đó, hàng năm thư viện huyện còn luân chuyển sách, báo về cơ sở với số lượng khoản 20.000 đầu sách, báo các loại/năm cho các trường học, cơ quan Quân sự huyện, Trung tâm học tập cộng đồng thị trấn Liên Hương… Mỗi năm kinh phí của huyện cấp để bổ sung, mua mới các loại sách, báo khoảng 9.000.000 đồng (khoảng 240 bản sách các loại).
Tuy nhiên, hoạt động xuất bản trên địa bàn huyện thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, tồn tại nhất định: Các hình thức tuyên truyền chưa thật phong phú, đa dạng và hấp dẫn người nghe; chưa chú ý đến đặc điểm, trình độ của từng đối tượng người nghe cụ thể, nhất là các đối tượng ở vủng sâu, vùng xa. Một số quy định của Luật hiện hành chưa được cụ thể hóa nên rất khó thực hiện trong thực tiễn. Cụ thể là việc phân định cơ sở nào được in và không được in xuất bản phẩm; sản phẩn nào là xuất bản phẩn, sản phẩm nào không phải xuất bản phẩm chỉ là tương đối và rất khó kiểm soát về mặt thiết bị. Công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp phụ trách lĩnh vực này chưa được quan tâm. Công tác quản lý còn nhiều lúng túng, việc thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực này chưa được duy trì thường xuyên.
Thiết nghĩ, để hoạt động xuất bản trên địa bàn huyện thời gian tới tiếp tục đi vào thực chất và hoạt động hiệu quả cần phải nâng cao nhận thức sâu sắc hơn nữa của cấp uỷ các cấp về vai trò, chức năng của xuất bản; về mối quan hệ giữa chức năng văn hoá - tư tưởng và hoạt động kinh doanh. Nhà nước cần sớm ban hành những chính sách, chế độ, quy định phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển đúng hướng. Công tác tổ chức, cán bộ, việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị cho hoạt động xuất bản trên địa bàn huyện cần được chú ý quan tâm và đầu tư đúng mức. /.