Sau ngày mở chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng Buôn Mê Thuột ngày 23 tháng 3 năm 1975, được Quân đoàn 2 (cánh quân Duyên Hải) hỗ trợ, các tỉnh từ Bình- Trị- Thiên- Huế vào Quãng Nam- Đà Nẵng và các tỉnh ven biển miền Trung liên tiếp được giải phóng. Tình hình diễn biến mau lẹ trên khắp chiến trường. Ngày 31 tháng 3 năm 1975, giải phóng Lâm Đồng; ngày 16 tháng 4 giải phóng tỉnh Ninh Thuận. Để phối hợp với chiến trường chung và chuẩn bị cho việc tiếp quản giải phóng huyện nhà, Huyện uỷ Tuy Phong đã chủ trương dùng lực lượng đội công tác và lực lượng các xã, với sự nổi dậy của nhân dân, bộ đội chủ lực đánh giải phóng đến đâu thì tổ chức tiếp quản đến đó. Ngày 13/4/1975, Đại đội 490 của huyện đã đánh đồn Tuy Tịnh và làm chủ các ấp Tuy Tịnh Chăm, Tuy Tịnh Kinh; 17 giờ ngày 17/4/1975, thời khắc lịch sử đã điểm, khi quân giải phóng cùng với bộ đội địa phương tiến vào, du kích, đội công tác cùng nhân dân đã phối hợp đứng lên giải phóng quê hương mình. Tuy Phong hoàn toàn được giải phóng!
Một sự kiện chính trị mà người dân Tuy Phong không thể nào quên trong cuộc đời mình, đó là ngày 01/5/1975, từ tờ mờ sáng tinh sương, bà con các dân tộc Kinh, Chăm, Raglai..., trẻ, già, trai, gái nô nức, phấn khởi từ các ngã đường, từ các xã trong huyện tạo thành những dòng người như trẩy hội đổ về sân bóng Liên Hương dự lễ mitting mừng ngày độc lập của dân tộc, tự do cho mỗi thân phận người nô lệ đứng lên làm chủ đất nước và chào mừng ngày Quốc tế lao động 01/5. Mới vài hôm trước đây thôi, họ còn là những người bị kiểm soát trong vòng vây của địch, cũng có những người đứng bên kia chiến tuyến, nhưng hôm nay, trong khí thế hào hùng của niềm vui đại thắng, họ tay bắt, mặt mừng, nụ cười pha lẫn những gương mặt đẫm nước mắt, cười cho sự đoàn viên vĩ đại của dân tộc, khóc để nhớ thương những người thân vĩnh viễn không về. Song, tất cả đều vỡ òa như có Bác trong ngày vui đại thắng, “Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn”.
Ngày 17/4/1975, mãi mãi là trang chói lọi nhất trong lịch sử anh hùng của huyện nhà. Giành được thắng lợi trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ là kết quả của sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Đảng bộ huyện. Thứ hai là, với sự trưởng thành, lớn mạnh của mình, tiếp thu sự chỉ đạo của trên, các tổ chức cơ sở đảng vừa xây dựng, vừa chiến đấu và tập hợp, lãnh đạo nhân dân đánh Mỹ. Thứ ba, gương của nhiều đồng chí, cán bộ, đảng viên và quần chúng gắn bó với phong trào, hay những con người đứng trong hàng ngũ địch, khi hiểu về cách mạng đã trở về với nhân dân cùng nhau đánh giặc. Thứ tư, những cán bộ, đảng viên đầu tàu trong chiến đấu, đi đầu trong chịu đựng khó khăn, gian khổ, gương mẫu trong công tác, hòa nhập vào nhân dân, là linh hồn lãnh đạo cuộc kháng chiến đến ngày thắng lợi. Có nhiều đồng chí đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, máu xương của họ đã hiến dâng cho kháng chiến thành công.
Thắng lợi của nhân dân Tuy Phong còn do kết quả chỉ đạo, điều hành, tổ chức của các cấp ủy cơ sở đảng và chính quyền, tức là các Ủy ban Tự quản, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Đó là việc thực hiện chính quyền dân chủ nhân dân trong kháng chiến. Lấy ý thức tự nguyện của quần chúng với sự tự giác cách mạng của nhân dân mà tập hợp các giới, các ngành, các tôn giáo vào nhiệm vụ kháng chiến.
Thắng lợi này còn có sự đóng góp sức người, sức của của nhân dân các dân tộc trong huyện vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Biết bao người mẹ, người vợ và các em thanh, thiếu niên cống hiến hy sinh vì Đảng, vì Tổ quốc và quê hương Tuy Phong trong cộng đồng các dân tộc anh em trong huyện. Những năm kháng chiến chống Mỹ, không một vùng đất nào của Tuy Phong không ghi dấu ấn chiến công thắng giặc. Thông minh, gan dạ, nhân dân đã sáng tạo ra nhiều hình thức đánh Mỹ ngụy. Như thiên la, địa võng, đâu đâu cũng có những trận đánh địch, diệt địch; đâu đâu cũng có phong trào cách mạng của quần chúng làm công tác binh, địch vận, biểu tình chống chế độ Mỹ- Thiệu, nuôi giấu, chở che cán bộ, chiến sĩ, tiếp tế lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men...
Trong những ngày lịch sử này, chúng ta trân trọng tưởng nhớ công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già của dân tộc đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kháng chiến thắng lợi và thống nhất đất nước; đời đời ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; vô vàn biết ơn và thăm hỏi ân cần, những tình cảm thắm thiết đến các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các bậc lão thành cách mạng, các vị lãnh đạo tiền nhiệm, các đồng chí thương, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước cùng toàn thể đồng chí, đồng bào trong huyện đã không tiếc máu xương, chịu nhiều mất mát, đau thương, đoàn kết một lòng, đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào trên mảnh đất Tuy Phong anh hùng, góp phần vào đại thắng mùa Xuân lịch sử của quân và dân cả nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bốn mươi năm qua, với tinh thần tự lực, tự cường, Tuy Phong đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách, vừa ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, đối phó với những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, vừa tập trung phát triển kinh tế- xã hội và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì hàng năm ở mức độ khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, ngày càng đúng định hướng của Đảng là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đó là: Công nghiệp- xây dựng; Dịch vụ- du lịch; Ngư- nông- lâm nghiệp. Các chương trình kinh tế- xã hội trọng điểm cơ bản đạt mục tiêu đề ra, có lĩnh vực phát triển khá. Phần lớn các chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm về kinh tế- xã hội, an ninh- quốc phòng đều đạt và vượt kế hoạch; một số sản phẩm công nghiệp tăng. Dịch vụ, thương mại, du lịch được duy trì và tiếp tục phát triển, từng bước phát huy ưu thế của thiên nhiên và di tích; từ chỗ không đáng kể đến nay đã tăng trưởng bình quân ở mức 10,87%; tỷ trọng chiếm 31,43% trong cơ cấu kinh tế chung của huyện. Tiềm năng và thế mạnh kinh tế biển tiếp tục được khai thác và phát huy ngày càng hiệu quả; phát triển theo hướng tăng số lượng thuyền công suất lớn, trang bị hiện đại; gắn khai thác với nuôi trồng, chế biến, dịch vụ và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đặc biệt, sản xuất tôm giống là một trong những sản phẩm lợi thế, là nơi cung cấp giống cho cả nước và cả nước ngoài. Hoạt động tài chính, tín dụng ổn định và phát triển, nguồn lực xã hội được huy động ngày càng khá hơn. Công tác quy hoạch, việc chuẩn bị các dự án đầu tư phát triển được thực hiện chủ động và có tầm nhìn, thu hút các nguồn vốn đầu tư, tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản đạt khá; đặc biệt nhiều dự án, công trình có tác động lớn đến xu hướng phát triển của huyện được quan tâm triển khai và đi vào hoạt động. Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển giao thông nông thôn đạt kết quả bước đầu. An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; các chế độ chính sách đối với người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa thực hiện đầy đủ, kịp thời. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư ngày càng đồng bộ; chất lượng giáo dục- đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nâng lên. Công tác xoá nghèo được cả hệ thống chính trị và xã hội quan tâm thực hiện tốt. Văn hóa thông tin- thể dục thể thao có nhiều chuyển biến tích cực; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nâng dần chất lượng, từng bước đi vào thực chất; đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện hơn. An ninh- quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, công tác dân vận, vận động quần chúng được chú ý lãnh đạo, chi đạo, ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Trong những thành tựu đó, có một số thành tựu nổi bật, có ý nghĩa làm đà, thay đổi rõ nét diện mạo của Tuy Phong, từ nông thôn đến thị tứ, đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Thành tựu lớn thứ nhất là, từ một vùng đất thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thiếu mưa, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, đất hoang hóa, khô cằn, bạc màu, sản xuất bấp bênh một vụ/năm, chủ yếu dựa vào nước trời, năng suất thấp không đủ ăn, nhưng với phong trào làm thủy lợi nhỏ và vừa của nông dân, của lực lượng thanh niên những năm đầu mới giải phóng, đến nay đã có một hệ thống các hồ Lòng Sông, Đá Bạc, Phan Dũng, các kênh cấp 1, 2 thuộc dự án hồ Lòng Sông đã đưa vào sử dụng; cơ bản hoàn thành tuyến kênh tiếp nước từ hồ Lòng Sông sang hồ Đá Bạc. Hệ thống kênh mương thủy lợi được kiên cố hoá, vào các khu sản xuất, phát huy hiệu quả tưới, tạo thuận lợi và tăng vụ, nâng cao năng suất, tăng thu nhập ổn định của nông dân. Diện tích gieo trồng và sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt hơn gấp 2 lần so chỉ tiêu đề ra. Một số cây trồng có lợi thế của địa phương được nông dân tập trung phát triển như cây trôm, thanh long, nho. Nhà máy nước Phong Phú hoạt động đã mở mạng hầu khắp cả huyện, hệ thống nước sinh hoạt vào các khu dân cư trên địa bàn huyện, nâng tỷ lệ dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở nông thôn là 94,5%; ở đô thị là 98,5%;
Thành tựu lớn thứ hai là, hệ thống giao thông đường bộ trước đây chủ yếu chỉ có tuyến quốc lộ, một số đường trong nội xã, phần lớn đường cát hoặc gập ghềnh sỏi đá, lầy lội, đi bộ, đường ghe, đường đò hết sức khó khăn, nay đã được khép kín đến tất cả các xã, thị trấn, các thôn, khu phố và đều được bê tông hóa, nhựa hóa. Phong trào xây dựng và phát triển giao thông nông thôn có chuyển biến tốt; nhất là nhận thức và đóng góp của người dân; từ các nguồn vốn lồng ghép đã thực hiện xây dựng 40,2 km đường, với tổng vốn đầu tư 103,89 tỷ đồng; riêng thực hiện theo Đề án phát triển giao thông nông thôn, đã xây dựng 162 tuyến/19,5 km với tổng kinh phí 18,2 tỷ đồng. trong đó huy động đóng góp của nhân dân 6,2 tỷ đồng trong phong trào làm giao thông nông thôn và Chương trình "Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới", nên hầu hết đường hẽm, đường nội thôn cũng được bê tông hóa; đáng chú ý là các tuyến đường Liên Hương- Phong Phú- Phan Dũng, đường Liên Hương- Bình Thạnh, đường ven biển Phan Rí- Chí Công- Bình Thạnh, đường chợ Bình Thạnh- chùa Cổ Thạch, Quốc lộ 1- Nha Mé- Phong Phú, đường lên hồ Lòng Sông, cầu Phan Rí- Hòa Phú...; hệ thống đường giao thông nội đồng tiếp tục đầu tư, cứng hóa. Nhờ đó, đã góp phần thông thương đi lại, mua bán, vận chuyển hàng hóa, nông- lẩm- hải sản, làm cho việc sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển. Dự án mở rộng QL 1A đoạn qua Tuy Phong, đường Hòa Phú- Hòa Thắng,... đang được đẩy mạnh triển khai thực hiện; ngày 16/4 sẽ khởi công xây dựng cảng tổng hợp Vĩnh Tân, hứa hẹn mở ra triển vọng mới cho du lịch và nhiều lĩnh vực khác của huyện nhà phát triển.
Thành tựu lớn thứ ba là, từ một huyện thừa nắng, dư gió, thiếu điện, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân trong huyện biến những điều không lợi thành có lợi cho dân. Mạng lưới điện tiếp tục được mở rộng; phát triển các đường điện trung thế, lưới hạ thế, nhu cầu cấp điện sản xuất, điện sinh hoạt được đáp ứng ngày càng tốt hơn; tỷ lệ hộ sử dụng điện trên 95%; Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân với Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã vận hành, Vĩnh Tân 4 đã khởi công, rồi Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 5 cũng lần lượt sẽ khởi công trong năm 2015; dự án điện gió Bình Thạnh đã hòa mạng quốc gia, điện gió Phú Lạc đang triển khai; cùng với một số dự án lớn có ý nghĩa quan trọng như đường dây cao áp 500KV Vĩnh Tân- Sông Mây, đường dây 220KV Vĩnh Tân- Tháp Chàm, Xí nghiệp may Tuy Phong, Trạm trung chuyển xăng dầu Dương Đông- Hòa Phú... và đang có một số nhà đầu tư có dự án đầu tư kết cấu hạ tầng bên trong và bên ngoài của khu công nghiệp Tuy Phong, cụm công nghiệp chế biến thủy sản Hoà Phú, Trang trại Việt ở Gò Săn- Phong Phú, nhà máy năng lượng mặt trời ở Láng Lớn- Vĩnh Hảo, góp phần làm cho công nghiệp- xây dựng vươn lên trở thành lĩnh vực sản xuất chính, tăng nhanh tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế chung của huyện (chiếm 44,75%); giá trị tăng thêm đạt 1.621,6 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 14.000 lao động địa phương, sẽ biến Tuy Phong thành một trong những trung tâm năng lượng lớn của cả nước, trở thành một huyện ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa.
Thành tựu lớn thứ tư là, sự nghiệp giáo dục- đào tạo, y tế- chăm sóc sức khỏe nhân dân không ngừng phát triển; hệ thống trường lớp có đều khắp ở các xã, thị trấn, được xây dựng kiên cố, lầu hóa, khang trang, trang bị phòng chuyên dụng, phòng vi tính, kể cả miền núi Phan Dũng, xã mới thành lập Vĩnh Tân cũng có trường lớp mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở; vùng sâu như Cây Cám- Hòa Minh, La Bá, Nha Mé và thôn 3 dân tộc Raglai ở Phong Phú cũng có trường mẫu giáo, tiểu học; Bệnh viện huyện, Phòng khám Đa khoa Phan Rí Cửa, 12/12 xã thị trấn đều có trạm y tế được xây mới, nâng cấp, trang thiết bị hiện đại, có y, bác sỉ khám, chửa bệnh. Nhờ vậy, số học sinh được đến trường, số người khám, chửa bệnh lần đầu tại địa phương ngày càng tăng, giảm được tốn kém, đáp ứng được nhu cầu xã hội học tập, nhu cầu khám, chửa bệnh của nhân dân. Trong điều kiện có thể, chúng ta đã cố gắng dành những điều kiện tốt nhất để phát triển sự nghiệp giáo dục và y tế huyện nhà.
Thành tựu lớn thứ năm là, công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo, chăm lo các đối tượng chính sách được chú trọng; các chính sách an sinh xã hội đậm tính nhân văn đối với các hộ chính sách, hộ nghèo, người già neo đơn, trẻ em tàn tật, không nơi nương tựa ngày càng được quan tâm thực hiện tốt. Chỉ riêng từ năm 2010 đến nay, đã giảm được 4.410 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,11% vào cuối năm 2015; cơ bản không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách. Thế hệ cha ông trước đây, đầu tắt mặt tối, lam lũ cả đời, có khi vẫn chưa có mái nhà che mưa, che nắng, thì nay, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm, đã xây dựng được 843 nhà cho người nghèo/17.604 triệu đồng; hỗ trợ xây mới 15 nhà và sửa chữa 191 nhà cho đối tượng chính sách, trị giá 4.050 triệu đồng. Kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được Đảng, Nhà nước đầu tư phát triển. Kết cấu hạ tầng thiết yếu gắn với xây dựng nông thôn mới như trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng, trụ sở làm việc, nhất là các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thông, điện, nước... tiếp tục được quan tâm đầu tư với tổng vốn 278 tỷ đồng; viễn thông, truyền thanh, truyền hình được phủ sóng; đồng bào được cấp đất, hỗ trợ vốn vay sản xuất, giao khoán bảo vệ rừng, trợ giá, trợ cước, trợ giống, góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể nói, chỉ có Đảng lãnh đạo, chỉ có chế độ cách mạng ưu việt của chúng ta, mới có cuộc sống đậm tình người, càng thương yêu, giúp đỡ nhau, làm thay đổi cuộc sống của các hộ chính sách, hộ nghèo, người già neo đơn, trẻ em tàn tật, không nơi nương như ngày hôm nay.
Thành tựu lớn thứ sáu là, các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị- xã hội trong hệ thống chính trị hai cấp ngày càng được củng cố, kiện toàn và hoạt động có hiệu quả. Thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã làm cho tư tưởng chính trị, cơ cấu tổ chức, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được củng cố, nâng cao. Ý thức chính trị, tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật công vụ, công chức, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên chuyển biến rõ nét, giảm thiểu việc gây phiền hà, sách nhiễu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Công tác dân vận, vận động quần chúng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được mở rộng, tạo sự đồng thuận trong Đảng, trong dân.
Trong nhiều nguyên nhân để đạt được những kết quả và thành tựu nêu trên, nổi lên mấy nguyên nhân chủ yếu sau đây:
- Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể đã bám sát mục tiêu, phương hướng, Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, vận dụng thực hiện một cách sáng tạo, chủ động, hiệu quả.
- Biết phát huy nội lực trong dân, thu hút các nguồn lực, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và của xã hội để đầu tư phát triển, nhất là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
- Lòng yêu nước, tin Đảng, tin chính quyền cách mạng, sự năng động, sáng tạo, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Sự đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm cao, tập trung đúng mức của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thành tựu 40 năm qua là lớn, là thuận lợi, nhưng trước mắt và lâu dài là cả chặng đường dài cũng không kém khó khăn; đó là tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết, dịch bệnh khả năng còn diễn biến phức tạp, khó lường, sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân; phát triển kinh tế luôn đi kèm với việc phát sinh các vấn đề phức tạp về môi trường và các vấn đề xã hội; đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, quản lý để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong khi vai trò quản lý Nhà nước và điều hành ở một số lĩnh vực còn bộc lộ yếu kém, bất cập; trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức có mặt chưa đáp ứng trong tình hình mới.
Dự kiến mục tiêu tổng quát của năm năm tới là: Huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng giá trị sản xuất trong từng ngành, lĩnh vực. Tạo ra bước chuyển dịch sâu hơn về cơ cấu kinh tế theo hướng Công nghiệp- xây dựng; Dịch vụ- thương mại- du lịch và Ngư- nông- lâm nghiệp; tạo môi trường thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển theo hướng phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục- đào tạo; nâng cao chất lượng lao động, kết gắn chặt chẽ việc đào tạo nghề với việc giải quyết việc làm. Phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá thông tin, thể dục thể thao, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho toàn dân. Đẩy mạnh các chương trình mục tiêu xoá đói giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách xã hội. Kết hợp tăng trưởng kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện đời sống nhân dân. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ huyện đến cơ sở.
Để thực hiện mục tiêu đó, cần có những giải pháp đồng bộ, từ việc tiếp tục phát huy nội lực, huy động sức dân, tranh thủ ngoại lực, đến việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cao, có tri thức, nắm vững công nghệ thông tin, năng động, sáng tạo, dám nghỉ, dám làm. Tạm thời, có thể chọn hai khâu đột phá là: Thứ nhất, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời tăng cường công tác giáo dục để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; thứ hai, đẩy nhanh tốc độ phát triển Dịch vụ- thương mại- du lịch.
Những nhiệm vụ hết sức to lớn, nặng nề đó đặt trên vai của toàn Đảng bộ và nhân dân Tuy Phong, của mọi người và mỗi người, nhưng trước hết là của thanh niên, của thế hệ trẻ- những người đang tiếp nối thế hệ cha anh đánh Mỹ, giải phóng dân tộc để làm chủ tương lai của đất nước, của huyện nhà. Chúng ta tin tưởng rằng, thế hệ trẻ Tuy Phong sẽ phất cao lá cờ truyền thống của quê hương anh hùng, lập nên những chiến công mới, chiếm lĩnh những tầm cao mới, viết tiếp những trang sử mới, với tinh thần như báo Nhân dân số ra ngày 01/01/1992, đã viết: “Trước một cơn lốc cường độ cao, hoặc trước một dòng xoáy lớn ngược chiều, bản thân sự trụ lại cũng đã bao hàm ý nghĩa tiến bước. Song để thực sự có bước tiến về phía trước thì ý chí càng phải cao, sức lực càng phải mạnh, cố gắng càng phải lớn”./.