Thân thiện, an toàn
Nằm trên bờ biển xinh đẹp, Khu du lịch Chùa Cổ Thạch từ lâu đã trở thành địa chỉ mà du khách không thể bỏ qua. Tại đây có nhiều loại mặt hàng lưu niệm, từ đồ mỹ nghệ đến các món quà quê đặc sản “chanh, chuối, ớt hiểm” và các món ăn hải sản tươi rói, nhìn bắt mắt như các loại cá, mực, tôm, cua, sò, ốc…Với phương châm “mùa nào thức nấy”, các cơ sở phục vụ du lịch tại đây vẫn có đủ chủng loại thực phẩm, hàng lưu niệm để phục vụ nhu cầu của du khách. Nói về hàng hải sản, chị Lê Thị Hải - một du khách TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Mặc dù giá cả ở nơi này không cố định nhưng du khách không sợ mua “hớ” hay “chém” gì đâu. Do hàng hải sản mỗi mùa khai thác có khác nhau nên giá cả cũng sẽ khác. Với cùng một mặt hàng như nhau thì có chăng cũng chỉ là hàng này hơn hàng kia tí chút, chênh lệch “chín với mười” thôi…”. Theo chị Hải, khu du lịch chùa Cổ Thạch có cảnh quang thiên nhiên tuyệt đẹp và hấp dẫn, yếu tố an ninh trật tự, vệ sinh môi trường có sự tiến bộ đáng kể, không còn nạn ăn xin, cò cốc đeo bám…Thú vị nhất là được khám phá những hang động đá, đùa vui với bãi đá con quyến rũ, dãi cát trắng mịn màng lấp ló bên bờ sóng biển trong xanh. Tự mình tìm hiểu những nét đẹp của văn hóa có ở ngôi chùa thanh tịnh trên núi đá trăm năm tuổi hay tận hưởng chút hương vị đặc trưng của biển, của nắng, của gió. Không chỉ khách trong nước mà một số khách nước ngoài đến Khu du lịch chùa Cổ Thạch cũng rất ấn tượng với sự thân thiện của người dân và sự đa dạng của nền văn hóa truyền thống. Nhiều điểm đến khó quên trong hành trình khám phá thiên nhiên tươi đẹp như Bãi đá con 7 màu (kỷ lục guiness), Lăng ông Nam hải, đình Bình An, biển Đồi dương, đi tàu đáy kính ngắm đại dương, thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật thư pháp bằng đá…
Anh Nguyễn Xuân Quang, chủ một doanh nghiệp lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh thổ lộ: “Công ty của chúng tôi thường có tour đến chùa Cổ Thạch. Trước đây còn khó khăn, nhưng giờ du lịch ở nơi này thay đổi khá nhiều, sự tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn, đã tạo thuận tiện hơn cho người đi du lịch”. Anh Quang cho biết, trước đây, mỗi khi nhắc đến hàng quán ở Khu du lịch chùa Cổ Thạch, người ta lại nghĩ đến cảnh “chặt, chém” hay “chèo kéo” khách một cách vô tội vạ. Giờ đây, ấn tượng không mấy tốt đẹp ấy đã bị dẹp bỏ.
Điều thấy rõ là kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch nơi nay đã có bước cải thiện hơn, nhất là hệ thống giao thông. Một số tuyến đường ven biển tỏa đến các điểm du lịch đã được đầu tư hoàn chỉnh. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ ở các vùng lân cận như thị trấn Liên Hương, Phan Rí Cửa, Hòa Minh có khá nhiều, chỉ cách khu du lịch chùa Cổ Thạch từ 5 - 10 phút xe chạy nên không lo chuyện “cháy” phòng do lượng du khách đổ về đông, đồng thời du khách cũng có nhiều lựa chọn sử dụng dịch vụ lưu trú phù hợp với khả năng của mình.
Phát triển chiều sâu
Du lịch Tuy Phong đã có những bước phát triển mạnh trên diện rộng nhiều năm qua. Hiện nay, khu du lịch chùa Cổ Thạch có 36 cơ sở lưu trú với 613 phòng. Với phương châm là đảm bảo các điều kiện tốt nhất có thể để phục vụ khách tham quan du lịch, huyện Tuy Phong đã chủ động triển khai nhiều biện pháp giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách đến tham quan nghỉ dưỡng, để Tuy Phong luôn là “Điểm đến an toàn, thân thiện” của du khách. Động thái rõ nhất, đó là giải thể Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa chùa Cổ Thạch do xã Bình Thạnh quản lý, để thành lập Ban Quản lý du lịch huyện, triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm. Những nỗ lực và xu hướng du lịch đó đã được đền đáp là đợt Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Tuy Phong đón trên 65.000 lượt khách đến tham quan, du lịch (tăng 30% so năm 2014), còn trong 3 tháng đầu năm 2015 đã thu hút 126.145 lượt khách du lịch, tăng 24,4% so năm 2014. Điều này phản ánh du lịch Tuy Phong đã bắt đầu có sự chuyển dịch, chuyển từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu.