Thực trạng và nguyên nhân
Những năm qua, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng ở Tuy Phong đã trở thành câu chuyện dài chưa có hồi kết. Theo số liệu thống kê của ngành giáo dục, từ năm 2010 đến năm 2013 có 54 học sinh bậc tiểu học và 638 học sinh bậc Trung học cơ sở bỏ học; trong đó số học sinh trung học cơ sở bỏ học cao nhất trong năm học 2010-2011 là 3,13% (274 học sinh); năm học 2012-2013 là 2,38% (200 học sinh). Thời điểm học sinh bỏ học chủ yếu xảy ra vào đầu năm học và sau Tết Nguyên đán hàng năm. Tuy các cấp ủy, chính quyền, ban ngành đã triển khai nhiều biện pháp nhưng vấn đề duy trì đủ số học sinh đến lớp, nhất là vận động các em trở lại trường còn gặp nhiều trở ngại.
Theo phân tích của ngành giáo dục thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều học sinh bỏ học là do các em chưa xác định được động cơ học tập rõ ràng, bị hổng kiến thức từ cấp học dưới. Chính điều đó, đã khiến nhiều em không tiếp thu được kiến thức mới, kết quả học tập kém, không theo kịp chương trình, lớp học. Một bộ phận cha mẹ học sinh, nhất là các vùng miền núi, ven biển chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác giáo dục; thường xuyên phải chạy vạy mưu sinh nên không có thời gian để ý, quan tâm, chăm lo đến việc học của con em mình, phó mặc toàn bộ công tác giáo dục con em mình cho nhà trường, nên dễ dẫn tới việc bị bạn bè rủ rê bỏ học. Trong những học sinh bỏ học, cũng có một số em do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mồ côi cha mẹ, phải nghỉ học để tham gia lao động phụ giúp gia đình... Trong khi đó, các ban, ngành, chính quyền địa phương chưa có biện pháp cụ thể trong việc vận động học sinh trở lại trường.
Một nguyên nhân nữa là do công tác vận động học sinh đến lớp của nhà trường gặp nhiều khó khăn. Một số trường chưa nắm bắt cụ thể hoàn cảnh gia đình và trình độ của từng học sinh; không phân loại kịp thời trình độ học lực của học sinh đầu cấp; kế hoạch dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng giúp đỡ học sinh yếu, kém chưa sát thực tế...
Những việc cần làm
Đi tìm giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này, đang là nỗi trăn trở của nhiều cơ sở trường học và các cấp, các ngành ở địa phương. Kinh nghiệm mà nhiều giáo viên phụ trách công tác phụ đạo và trực tiếp giảng dạy chia sẻ là để học sinh tham gia học tốt việc học phụ đạo thì trước hết phải giúp các em vượt qua những trở ngại từ bản thân, gia đình. Đặc biệt là sự mặc cảm khi có tên trong danh sách học sinh đi học phụ đạo; bởi lẽ, nếu như đi học bồi dưỡng học sinh giỏi là niềm tự hào thì việc đi học phụ đạo với các em là một gánh nặng. Muốn học sinh lấy lại được những kiến thức căn bản đã mất thì đòi hỏi giáo viên phải bỏ ra nhiều công sức, thực sự yêu thương học sinh, biết tận tụy với nghề mới có thể làm được. Từ đó, khơi dậy sự tự nỗ lực, cố gắng của học sinh để các em ý thức được và biết vươn lên học tập, rèn luyện.
Theo đó, Ngành Giáo dục, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, ban giám hiệu, giáo viên các trường học tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác huy động học sinh đến trường, hạn chế bỏ học; nêu cao tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, ngày càng gần gũi, tận tâm, tận lực giúp đỡ học sinh; không ngừng nghiên cứu, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy; xây dựng cảnh quan, môi trường sư phạm thân thiện, thu hút học sinh gắn bó với trường, lớp. Các đơn vị trường học rà soát, phối hợp thông tin kịp thời cho các địa phương về số lượng học sinh bỏ học trên địa bàn; tăng cường dạy phụ đạo cho học sinh có học lực yếu kém; thực hiện nghiêm việc đánh giá, xếp loại học sinh theo đúng quy chế, không để học sinh "ngồi nhầm lớp"; tổ chức tốt các hoạt động xã hội trong nhà trường để học sinh gắn bó với trường lớp; giáo viên chủ nhiệm trong việc bám sát lớp, nắm bắt kịp thời diễn biến về tâm tư tình cảm đối với những học sinh có nguy cơ bỏ học cao.
Một giải pháp nữa đó là nâng cao vai trò của các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, mặt trận đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, quản lý sĩ số học sinh. Phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng như già làng, sư cả, trưởng thôn, khu phố. Chăm lo tốt hơn đời sống kinh tế-văn hoá trong nhân dân; tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu rõ hơn về giáo dục tác động đến đời sồng kinh tế-xã hội; bảo đảm chính sách cho học sinh đầy đủ và kịp thời theo quy định; đảm bảo dịch vụ Internet và trò chơi trưc tuyến hoạt động đúng quy định; bảo đảm an ninh trật tự để học sinh an tâm tới trường; phối hợp với các đoàn thể và đặc biệt là Hội Khuyến học các cấp, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cơ quan thông tấn báo chí động viên nguồn quỹ học bổng, tổ chức vận động hỗ trợ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cấp học bổng hỗ trợ học sinh nghèo…
MINH CHIẾN