Thời gian qua, các cấp hội từ huyện đến cơ sở đã tích cực tuyên truyền và vận động hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng và an ninh; qua đó, đã phát huy sức sáng tạo của hội viên, nông dân tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế từng vùng, nhất là kinh tế biển, kinh tế vườn. Hội Nông dân các cấp phát huy vai trò là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, có những bước tiến trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập hợp, vận động các tầng lớp nông dân lao động, sản xuất, học tập, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống được đẩy mạnh; 3 năm qua, đã có 4.993 lượt hội viên được tham gia tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực. Nhờ đó, đã tạo động lực cho nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất; phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô vừa và nhỏ gắn với thị trường tiêu thụ. Giờ đây, nông dân đã từng bước tự cơ giới hóa sản xuất, nhất là cây lúa, khâu làm đất cơ giới hóa trên 95%, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp trên 90%, công cụ sạ hàng 30%, trên 70% nông dân sử dụng giống lúa xác nhận thay cho lúa thịt nên năng suất tăng 30% so các năm trước; sản lượng lúa hàng năm trên 20.000 tấn. Đặc biệt, là sản xuất lúa giống được 100 ha/năm cung cấp nhu cầu tại chỗ. Bên cạnh cây lúa, các loại cây trồng như thanh long (80 ha), cây trôm lấy mủ (313 ha), cây nho (50 ha) đã được nông dân thực hiện hiệu quả, ổn định nơi tiêu thụ. Ngoài các con nuôi hiện nay như bò, dê, cừu, heo, gà...nông dân đã triển khai thêm một số con nuôi mới như dông, cá sấu, nhím, bồ câu, thỏ, kỳ đà...góp phần đa dạng hóa vật nuôi. Lĩnh vực thủy sản tiếp tục phát triển, đến nay đã có 56 Tổ hợp tác, khai thác trên biển; thành lập Nghiệp đoàn khai thác hải sản Phan Rí Cửa. Nhiều ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng thuyền mới từ 90 CV trở lên, nâng tổng số tàu thuyền toàn huyện lên 1.957 thuyền/146.646 CV, bình quân 74,55 CV/thuyền. Sản lượng khai thác hàng năm gần 40.000 tấn.
Điểm nổi bật nhất trong 3 năm của Hội Nông dân là các phong trào thi đua yêu nước được các cấp Hội triển khai và thực hiện có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, điển hình là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng đã thu hút đông đảo hội viên tham gia, trở thành động lực quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương và nội lực của từng gia đình. Năm 2012, đã có 6.710/6.700 hộ đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi các cấp, đạt 101% chỉ tiêu tỉnh giao; bình chọn cuối năm 2012 có 1.490 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp. Các hoạt động hỗ trợ nông dân cũng được đẩy mạnh; đến nay, toàn huyện có 145 tổ liên doanh vay vốn tín chấp cho 2.298 lượt hộ nông dân vay/tổng dư nợ 42,180 tỷ; có 2.662 hộ vay 20,753 tỷ theo chương trình tổ vay vốn- tiết kiệm theo địa bàn dân cư thôn, khu phố của Ngân hàng CSXH; quỹ Hỗ trợ nông dân từ Trung ương và Tỉnh có 1,1 tỷ đã hổ trợ cho 151 hộ vay/12 dự án; riêng nguồn vận động quỹ Hỗ trợ nông dân của Huyện và cơ sở được 267.250.000đ, hỗ trợ cho 106 hội viên vay. Từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương 500.000.000đ (năm 2011) đầu tư cho dự án cây trôm; mô hình đầu tư nuôi dông ở Vĩnh Hảo (Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng); mô hình nuôi vỗ béo bò thịt (Nhà nước hỗ trơ 150 triệu đồng). Hiện nay, Hội Nông dân Huyện đang chỉ đạo xây dựng thêm 3 mô hình Tổ phát triển kinh tế: Chí Công: Tổ sản xuất muối kết tinh trên bạt (Nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng); Vĩnh Hảo: Tổ sản xuất lúa chất lượng cao; Phước Thể: Tổ sản xuất phát triển cây nho).
Các cấp uỷ quan tâm lãnh đạo xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh, tăng cường phát triển hội viên mới, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 03 năm qua (2011-6/2013) đã phát triển 1.650 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn huyện hiện có 14.510 người, chiếm 92% so với hộ nông dân; hàng năm giới thiệu từ 6-10 cán bộ, hội viên cho Đảng xem xét kết nạp. Đến năm 2012 có 11/12 cơ sở vững mạnh, 01 khá; 68/71 chi hội khá, vững mạnh, chiếm 95,7%; 3 năm liền Hội Nông dân huyện được xếp vững mạnh. Xác định nông dân là lực lượng nòng cốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thông qua thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã động viên được ý thức chung sức, đồng lòng của nhân dân, của cả hệ thống chính trị; năng lực của đội ngũ cán bộ hội và vai trò làm chủ của nông dân được nâng lên. Củng cố niềm tin của nông dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước, của hội nông dân các cấp trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Ngoài ra, các cấp hội còn tích cực, chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp vận động hội viên, nông dân đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa, xây dựng thôn, khu phố văn hóa; hăng hái tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội
Có thể nói, thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khoá XII), các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và các ngành đã nhận thức sâu sắc hơn vai trò, vị trí của tổ chức Hội Nông dân Việt Nam; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân trong phát triển nông nhiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020. Nhờ đó, tổ chức Hội Nông dân các cấp từng bước được kiện toàn, củng cố ngày càng vững mạnh, phát huy vai trò ngày càng rõ hơn trong đời sống của nông dân và nông thôn; từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng bám sát địa bàn, gần với nông dân, tăng cường chăm lo, giải quyết các nhu cầu và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tích cực động viên nông dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương đạt kết quả trên nhiều mặt, thực sự là lực lượng nòng cốt trong phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần ổn định chính trị, kinh tế- xã hội của địa phương./.
MINH CHIẾN